Giấy uỷ quyền khi người thân trong gia đình xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho nhau

Anh Tứ có hộ khẩu thường trú tại xã Y, thuộc tỉnh Lạng Sơn nhưng hiện nay anh đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh chuẩn bị kết hôn với vợ chưa cưới tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không có điều kiện để về quê xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nên nhờ anh trai là anh Tam, người đang ở cùng hộ khẩu giúp mình đến Uỷ ban nhân dân xã xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Anh Tam mang Sổ hộ khẩu gia đình và Chứng minh nhân dân của mình đến Uỷ ban nhân dân xã Y để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho em. Cán bộ tiếp dân sau khi nghe anh Tam trình bày đã yêu cầu anh Tam phải có giấy uỷ quyền của anh Tứ thì Uỷ ban nhân dân xã mới giải quyết việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh Tứ. Cán bộ tiếp dân cũng giải thích thêm rằng: xác nhận về tình trạng hôn nhân là bí mật đời tư của anh Tứ, nên nếu anh Tam không có uỷ quyền của anh Tứ thì Uỷ ban xã không thể cấp cho anh Tam được, sợ sau này anh Tứ khiếu nại. Trong trường hợp này cán bộ tiếp dân giải quyết như vậy có đúng không?

Trong trường hợp nói trên, cán bộ tiếp dân có nhận thức đúng về giá trị thông tin của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là thuộc bí mật đời tư của cá nhân, do đó Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ được cấp cho những đối tượng có quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Tuy nhiên, với việc anh Tam là anh trai ruột xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho em trai mình mà cán bộ tiếp dân yêu cầu phải có giấy uỷ quyền là không đúng quy định của pháp luật. Vì theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về uỷ quyền trong đăng ký hộ tịch thì đối với những việc hộ tịch mà pháp luật cho phép uỷ quyền, nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền, thì không cần phải có văn bản uỷ quyền.

Căn cứ vào quy định nói trên, có thể thấy:

- Theo quy định tại đoạn 1 Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì việc xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là loại việc hộ tịch được uỷ quyền;

- Theo quy định tại đoạn 2 Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì giữa anh Tam và anh Tứ có quan hệ là anh em ruột (điều này được chứng minh thông qua Sổ hộ khẩu gia đình), do đó, anh Tam không cần phải có giấy uỷ quyền khi làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho em trai mình.

Như vậy, trong trường hợp này, cán bộ tiếp dân có trách nhiệm thụ lý giải quyết yêu cầu của anh Tam về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh Tứ mà không được đòi hỏi anh Tam phải có giấy uỷ quyền.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào