Các việc hoà giải được và các việc không được phép hoà giải. Cách thức hoà giải xung đột tập thể
Để giải quyết đúng pháp luật vụ việc này, cần nắm vững các quy định pháp luật về phạm vi những việc có thể hoà giải ở cơ sở, từ đó xác định chính xác xem trong vụ việc này biện pháp hoà giải ở cơ sở có thể áp dụng đến đâu.
Về các quy định pháp lý
- Thứ nhất, trong vụ việc này, hành vi đập phá mồ mả thanh niên thôn 8 do anh Thành cầm đầu đã cấu thành tội xâm phạm mồ mả quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở thì vấn đề này không được hoà giải vì hành vi của Thành và đồng bọn đã cấu thành tội phạm.
- Thứ hai, hành vi tụ tập đánh nhau gây mất trật tự công cộng, phá vỡ tình đoàn kết cộng đồng là hành vi vi phạm hành chính, cần bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đây cũng là loại việc không thể áp dụng biện pháp hoà giải mà cần xử lý theo chế tài của pháp luật.
- Thứ ba, hành vi của Thành và các thanh niên khác gây thiệt hại đến tài sản của gia đình ông Minh (cụ thể là chi phí xây dựng lăng mộ), từ đó làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Minh. Theo quy định của Pháp lệnh Về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở thì vấn đề này có thể áp dụng biện pháp hoà giải để giải quyết. Bên cạnh đó, mâu thuẫn, xích mích giữa bà con thôn 8 với gia đình ông Minh liên quan đến tin đồn mê tín dị đoan cũng có thể được giải quyết bằng biện pháp hoà giải.
Cách giải quyết vụ việc
- Trách nhiệm của Công an xã: cần lập ngay biên bản ghi nhận lại sự việc, thời gian, địa điểm, người tham dự cũng như tang vật thu được; áp dụng ngay những biện pháp ngăn chặn để tránh những hậu quả của vụ xô xát như: tạm thu lại các dụng cụ như cuốc, xẻng, gậy gộc, tách biệt giữa hai nhóm người đang tranh chấp. Sau đó khẩn trương báo cáo vụ việc và gửi biên bản lên Công an huyện để cơ quan này thụ lý giải quyết hành vi xâm phạm mồ mả theo pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Công an xã cũng có trách nhiệm tổ chức lực lượng giữ nguyên hiện trường để cơ quan có thẩm quyền đánh giá, xem xét về mức độ thiệt hại làm chứng cứ phục vụ cho các hoạt động liên quan (phục vụ cho hoạt động tố tụng và xác định mức bồi thường thiệt hại).
- Trách nhiệm của Trưởng thôn và Tổ hoà giải cơ sở trong hoà giải vụ việc:
+ Xác định xem vụ việc nào thuộc thẩm quyền hoà giải của Trưởng thôn và Tổ hoà giải cơ sở: trong vụ việc này, những vấn đề có thể được hoà giải là:
Thứ nhất, đó là xích mích giữa gia đình ông Minh và bà con trong thôn xung quanh việc cải táng ngôi mộ và những tin đồn dị đoan.
Thứ hai, nếu giữa gia đình ông Minh và thanh niên đập phá khu mộ không thống nhất được về mức bồi thường chi phí xây dựng, cái táng khu mộ thì Tổ hoà giải có thể can thiệp, tạo điều kiện để hai bên thoả thuận được với nhau, tránh đi những tranh chấp kéo dài về sau.
+ Đề xuất về cách thức tiến hành hoà giải:
Các thành viên Tổ hoà giải gặp gỡ riêng từng nhóm đối tượng: gia đình ông Minh, rồi đến bà con trong thôn, để tìm hiểu nguyên nhân, tâm lý của những người trong cuộc. Sau khi đã làm rõ nguyên nhân, tình hình và nguyện vọng của bà con, cần thuyết phục, vận động họ. Đối với nhóm bà con thôn 8, do không thể gặp gỡ và tác động tất cả, Tổ hòa giải cần xác định những nhân vật chủ chốt, có ảnh hưởng lớn, có uy tín đối với thôn, để tác động và thuyết phục họ. Ví dụ: các cụ già, chị em phụ nữ, Trưởng Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên. Đặc biệt quan tâm đến gia đình Thành và các thanh niên có liên quan, bởi tiếng nói vận động của những người này có thể tác động lớn đối với những bà con còn lại.
+ Về nội dung hoà giải:
Cần làm rõ nguyên nhân của vụ việc: phân tích sự việc, loại trừ những yếu tố mê tín dị đoan. Ví dụ: những trường hợp trâu bò chết rơi vào hoàn cảnh nào. Nếu cần thiết có thể xin tài liệu hoặc ý kiến của cán bộ thú y xã, huyện về nguyên nhân đích thực của bệnh dịch ở trâu bò. Để có sức thuyết phục, hoà giải viên có thể mang theo tư liệu, sách giáo khoa về thú y để minh hoạ cho bà con.
Về mặt pháp luật: cần phân tích rõ những thiệt hơn trong vụ việc: nếu tiếp tục vi phạm sẽ gánh chịu những hậu quả ra sao, ví dụ: phải bồi thường, con em đi tù, ảnh hưởng đến tương lai của các thanh niên như Thành, đến uy tín của thôn, xã.
Về mặt đạo lý: cần phân tích rõ những lợi hại của vụ việc, các ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của cộng đồng v.v...
Nếu việc hoà giải đạt kết quả, Tổ hoà giải cần lập biên bản ghi nhận kết quả vụ việc, cam kết không có sự xâm phạm trong tương lai. Biên bản cần được gửi cho mỗi bên một bản, có chữ ký của đại diện thôn và gia đình ông Minh.
Thư Viện Pháp Luật