Việc bố trí cán bộ tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm Phó Trưởng Công an xã
Thực tiễn trong công tác kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở ở một số địa phương hiện nay đang phát sinh tình trạng ghép chức danh cán bộ tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm làm Phó Trưởng Công an xã (ở những nơi chưa có lực lượng Công an chính quy). Chủ trương này không những không phù hợp với các quy định về bố trí, sử dụng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ ở cấp xã theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các văn bản có liên quan, mà nếu triển khai trên thực tế sẽ dẫn đến tình trạng gây lãng phí do sử dụng cán bộ sai quy định.
Để giải quyết tình huống nói trên, Chủ tịch UBND xã - với nhiệm vụ, quyền hạn của người trực tiếp quản lý và điều hành bộ máy hành chính của cấp xã hoạt động có hiệu quả theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 127 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND - cần nắm vững các vấn đề sau đây:
Về vị trí, vai trò của cán bộ tư pháp - hộ tịch và Phó Trưởng Công an xã trong bộ máy chính quyền cấp xã Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thì cán bộ tư pháp - hộ tịch là một trong 7 chức danh chuyên môn thuộc UBND cấp xã (cùng với các chức danh chuyên môn khác là Trưởng Công an xã: Chỉ huy trưởng quân sự; cán bộ văn phòng - thống kê; cán bộ địa chính - xây dựng; cán bộ tài chính - kế toán; cán bộ văn hoá - xã hội). Với vị trí pháp lý là công chức cấp xã, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ tư pháp - hộ tịch phải thực hiện theo đúng quy định từ Điều 13 đến Điều 15 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP và điều 80, điều 81 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch nhằm bảo đảm cho cán bộ tư pháp - hộ tịch thực hiện đúng chức trách công vụ của cán bộ chuyên trách.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn thì Phó Trưởng Công an xã (ở những nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy) là cán bộ không chuyên trách ở cấp xã. Do tính chất hoạt động không chuyên trách nên tuỳ theo tình hình thực tế tại địa phương mà UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng cán bộ không chuyên trách cho từng xã, phường, thị trấn và mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh cán bộ không chuyên trách.
Về tính chất “không kiêm nhiệm” của cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã
Theo quy định tại điểm 2 Mục III Thông tư liên tịch số 04/2005/ TTLT-TP-NV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương thì hoạt động công vụ của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã gồm 12 nội dung công việc, đó là: giúp UBND trong công tác ban hành văn bản và kiểm tra văn bản; phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải, trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực, đôn đốc thi hành án dân sự;... Đây là khối lượng nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi công chức tư pháp - hộ tịch phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo đúng chức năng của mình. Để bảo đảm cho công chức tư pháp - hộ tịch có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đúng tính chất chuyên môn, Điều 81 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “Đối với những xã, phường, thị trấn có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều, thì phải có cán bộ chuyên trách làm công tác hộ tịch, không kiêm nhiệm các công tác tư pháp khác”.
Việc ghép chức danh cán bộ tư pháp - hộ tịch với chức danh không chuyên trách Phó Trưởng Công an xã là không phù hợp theo nguyên tắc bảo đảm cho cán bộ chuyên trách thực hiện đúng công vụ thường xuyên của mình. Bởi vì, Công an xã tuy là chức danh không chuyên trách, nhưng lại thực hiện 8 nhiệm vụ thường xuyên nhằm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về Công an xã. Mặt khác, cũng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này thì chức danh Phó Trưởng Công an xã có nhiệm vụ “giúp việc Trưởng Công an xã, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Công an xã và thay mặt Trưởng Công an xã khi được uỷ quyền”. Với vị trí như vậy, đòi hỏi chức danh Phó trưởng Công an xã phải hoạt động thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ về an ninh, trật tự. Do đó, nếu ghép hai chức danh có tính chất công việc cùng đòi hỏi phải đảm nhiệm nhiệm vụ thường xuyên sẽ không bảo đảm hiệu quả hoạt động của cả hai lĩnh vực quản lý nhà nước.
Về những bất lợi, lãng phí do việc bố trí cán bộ tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm chức danh Phó trưởng Công an xã
Tình huống trên đây cho thấy, địa bàn xã X là địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, công tác quản lý hộ tịch còn đạt hiệu quả rất thấp. Điều đó đòi hỏi công chức tư pháp - hộ tịch cần được tạo điều kiện để tập trung làm tốt các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đồng thời, để giải quyết tình trạng không đăng ký hộ tịch và hạn chế tình trạng đăng ký quá hạn, cũng đòi hỏi cán bộ tư pháp - hộ tịch phải có đủ thời gian để thực hiện các nghiệp vụ quản lý theo đúng yêu cầu chuyên môn (ví dụ: thực hiện việc định kỳ xuống địa bàn dân cư để thực hiện đăng ký hộ tịch). Do đó, việc giao thêm cho công chức tư pháp - hộ tịch các nhiệm vụ về an ninh, trật tự với vị trí Phó trưởng Công an xã sẽ gây lãng phí do bố trí, sử dụng cán bộ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không bảo đảm yêu cầu về chuyên môn và tính chất hoạt động chuyên trách. Việc bố trí cán bộ như vậy sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước đối với cả hai lĩnh vực mà công chức tư pháp - hộ tịch phải đảm nhận.
Với những bất lợi như trên, Chủ tịch UBND xã X cần có sự đánh giá chính xác, khách quan về khối lượng công việc và yêu cầu chuyên môn của cán bộ tư pháp - hộ tịch để thấy rằng việc ghép hai chức danh cán bộ tư pháp - hộ tịch và Phó trưởng Công an xã vừa không phù hợp với các quy định của pháp luật, vừa không bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó có sự giải trình thoả đáng đối với các vị đại biểu Hội đồng nhân dân đã nêu ra đề nghị đó để thống nhất nhận thức rằng việc bố trí cán bộ sai quy định sẽ gây lãng phí trong sử dụng cán bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cán bộ đó. Với cán bộ tư pháp - hộ tịch chỉ có thể bố trí kiêm nhiệm những công việc không đòi hỏi hoạt động thường xuyên để có thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Với chức danh Phó Trưởng Công an xã, cần kiến nghị giao cho người có đủ điều kiện để đảm nhiệm (không phải là công chức chuyên môn nghiệp vụ).
Thư Viện Pháp Luật