Khi Chủ tịch phường “bắc cầu” cho Công ty bảo hiểm đi vào trường học
Bảo hiểm học sinh là hình thức bảo hiểm tự nguyện, các doanh nghiệp tham gia thị trường bảo hiểm có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận đối tượng bảo hiểm và thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm bằng uy tín và chất lượng dịch vụ của mình. Bản thân hoạt động bảo hiểm là một hoạt động kinh doanh, nên các doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tiếp thị, giới thiệu về dịch vụ của mình theo quy định của pháp luật, nhưng không được cạnh tranh không lành mạnh bằng việc lợi dụng sự can thiệp, ảnh hưởng của các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Mặt khác, pháp luật cũng nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng tới người khác nhằm mục đích trục lợi.
Trong vụ việc nói trên, việc ông H - với vị trí là Chủ tịch UBND phường X, là cơ quan trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước đối với Trường mẫu giáo Chim Non - gửi thư giới thiệu Chi nhánh Công ty bảo hiểm Sức sống mới tới Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Chim Non, đồng thời có hành vi gọi điện can thiệp, tác động bằng việc hứa giải quyết kiến nghị về việc giải toả vỉa hè cho trường Chim Non nhằm để Công ty bảo hiểm được độc quyền bán bảo hiểm trong trường đã thể hiện đầy đủ dấu hiệu của hành vi tham nhũng được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005: hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để trục lợi.
Mặt khác, việc ông H nhận số tiền 2.000.000 đồng để can thiệp, giúp đỡ công việc kinh doanh của cô N cũng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Trên thực tế, hành vi đưa và nhận quà tặng với số tiền trị giá 2.000.000 đồng của cô N và ông H đã đủ dấu hiệu cấu thành tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ (theo quy định tại Điều 279, 289 Bộ luật Hình sự, đã được sửa đổi tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 1 Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự).
Thư Viện Pháp Luật