Trường hợp phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong việc cho vay vốn xoá đói giảm nghèo
Việc tăng cường cán bộ có thời hạn, cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương là một chủ trương thiết thực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm. Để bảo đảm cho các cán bộ tăng cường thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Điều 7Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định “UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tăng cường về xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 3 Quyết định này; bố trí chỗ ở, nơi làm việc để cán bộ, công chức tăng cường hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện nghiêm quy chế của UBND tỉnh quy định đối với cán bộ, công chức tăng cường”.
Trong tình huống nói trên, việc anh C đề nghị lãnh đạo UBND xã cho xem sổ sách, tài liệu quản lý việc cho vay vốn ưu đãi xoá đói giảm nghèo là việc làm cần thiết, nhằm giúp anh C có thể thực hiện tốt nhiệm vụ mà UBND huyện đã giao cho anh khi cử anh đến làm cán bộ tăng cường cho xã X. Với việc UBND xã có biểu hiện không minh bạch trong quản lý vốn vay ưu đãi, trên thực tiễn có thể xảy ra những hiện tượng như sau:
- Việc cho vay vốn ưu đãi không đúng đối tượng, người được vay vốn không phải là đối tượng thuộc diện được hưởng vốn xay xoá đói giảm nghèo;
- Hộ đói nghèo được thông báo làm hồ sơ vay vốn, nhưng sau khi hoàn thiện hồ sơ thì được thông báo là không được cho vay. Hồ sơ vay vốn đó được cán bộ có thẩm quyền lập khống hoặc giả mạo chữ ký để chiếm dụng vốn vay (trên thực tế hộ đói nghèo đó được ngân hàng cho vay vốn theo danh sách do cán bộ xã lập ra, nhưng số tiền cho vay không đến tay người vay vốn);
- Hộ đói nghèo được cho vay vốn theo đúng danh sách, nhưng chỉ nhận được một phần vốn vay so với khi lập hồ sơ vay vốn. Số còn lại bị cán bộ được uỷ quyền giao vốn vay cho dân chiếm dụng, sử dụng riêng;
- Các hộ vay vốn đã hoàn trả vốn vay qua cán bộ xã được ngân hàng hoặc quỹ xoá đói giảm nghèo uỷ nhiệm thực hiện việc cấp phát và thu hồi vốn vay. Tuy nhiên, cán bộ xã không thực hiện việc nộp trả cho ngân hàng mà giữ lại chiếm dụng và đối phó bằng cách lập danh sách xin gia hạn vay vốn, nộp lãi vay cho ngân hàng và giả mạo chữ ký của người vay. Trên đây là những hành vi vi phạm pháp luật thường phát sinh trong hoạt động cho vay vốn xoá đói giảm nghèo và đều là những hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 6 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Do đó, trước những biểu hiện bất minh của chính quyền xã, với chức năng, nhiệm vụ của cán bộ tăng cường, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, anh C có nghĩa vụ báo cáo ý kiến chủ quan của mình về dấu hiệu tham nhũng tại xã cho Chủ tịch UBND cấp huyện, đề nghị có biện pháp kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền đối với việc sử dụng vốn vay.
Thư Viện Pháp Luật