UBND xã đình chỉ SDLĐ chưa thành niên đang làm công việc ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách
Đây là tình huống sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của họ. Để giải quyết tình huống trên đúng pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền của UBND xã; các quy định nghiêm cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của họ... đã được quy định trong pháp luật lao động; pháp luật phòng, chống mại dâm.
Xác định việc sử dụng lao động chưa thành niên đang làm công việc phục vụ bàn, bar tại quầy bar của khách sạn Bình Minh có vi phạm pháp luật không?
- Điều 121 Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002 và năm 2006) quy định: “... Cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành”.
- Điểm b khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm: không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ”.
- Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BLĐTB&XH-BYT ngày 09/12/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi tại các cơ sở dịch vụ lưu trú: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê và cơ sở lưu trú khác gồm phòng bảo vệ; quầy bar, lễ tân; bộ phận phục vụ buồng với các công việc bảo vệ; lễ tân; phục vụ buồng, phòng; phục vụ bàn, bar.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, có thể kết luận việc sử dụng lao động chưa thành niên đang làm công việc phục vụ bàn, bar tại quầy bar của khách sạn Bình Minh là vi phạm pháp luật lao động.
Thẩm quyền giải quyết vụ việc
- Theo khoản 2 Điều 181, Điều 185, khoản 4 Điều 187 Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002 và năm 2006), UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình... Thanh tra nhà nước về lao động có chức năng thanh tra chính sách lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương thực hiện thanh tra nhà nước về lao động. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên lao động có quyền: quyết định tạm đình chỉ việc sử dụng máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Theo khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004, UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; tạo điều kiện cho trẻ em được học nghề, làm công việc phù hợp với sức khoẻ, lứa tuổi trong phạm vi địa phương.
- Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 về xử phạt hành chính vi phạm pháp luật lao động: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của người lao động chưa thành niên theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành được quy định tại Điều 121 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002.
- Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền... phạt tiền đến 20.000.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính....”. Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 113/2004/NĐ-CP quy định: “Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền... phạt tiền đến 20.000.000 đồng, áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này”.
Đối chiếu với quy định trên, Chủ tịch UBND huyện Y có thẩm quyền để xử lý vụ việc, UBND xã X không đủ thẩm quyền đình chỉ việc sử dụng lao động chưa thành niên đang làm công việc phục vụ bàn, bar tại quầy bar của khách sạn Bình Minh.
Các bước mà Chủ tịch UBND xã X cần tiến hành trong thẩm quyền của mình
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Bình M về hành vi sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của họ;
- Chuyển giao ngay biên bản cùng các tài liệu có liên quan đến UBND huyện Y để Chủ tịch UBND huyện giải quyết theo thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật