Giải quyết vụ gây rối trật tự công cộng do đánh nhau tại địa bàn xã

Tối ngày 15/12/2005 tại địa bàn thôn 6, xã Hợp Tiến đã xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng. Hai đối tượng do uống rượu say đã đánh nhau kịch liệt. Khi Công an xã đến giải quyết thì hai đối tượng đã chửi bới, đánh lại. Phải rất khó khăn Công an xã mới đưa được hai đối tượng về trụ sở. Người thân trong gia đình và bạn bè của đối tượng đã kéo đến trụ sở Công an xã la ó, nói xấu, khiêu khích, cản trở cán bộ thực thi nhiệm vụ, đòi phải thả hai đối tượng. Quần chúng tụ tập đông gây mất trật tự trước trụ sở Công an. Với trách nhiệm là Trưởng Công an xã, đồng chí sẽ xử lý như thế nào?

Trong trường hợp này, hai đối tượng đánh nhau đã có các vi phạm pháp luật sau:

- Say rượu gây mất trật tự công cộng là vi phạm điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội (mức phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng).

- Đánh nhau là vi phạm điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP (mức phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng).

- Cản trở, chống lại người thi hành công vụ là vi phạm vào điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP(mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

- Những người thân trong gia đình của hai đối tượng đã có hành vi la ó, nói xấu, cản trở người thi hành công vụ là vi phạm vào điểm l khoản 3 Điều 7 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

Trong tình huống này, mức xử phạt đối với hai đối tượng say rượu đánh nhau (tổng hợp cả ba hành vi vi phạm) và thân nhân của hai đối tượng vượt quá thẩm quyền xử phạt của chính quyền cấp xã. Vì vậy, trình tự xử lý của Công an xã như sau:

- Bằng các biện pháp kiên quyết bắt giữ và dẫn giải hai đối tượng say rượu đánh nhau về trụ sở Công an xã để giải quyết vụ việc (có thể trói tay và tạm giữ hành chính nếu cần thiết).

- Nhanh chóng xác định những đối tượng hung hăng nhất trong số người thân của hai đối tượng đang bị giữ để có biện pháp cách ly thậm chí bắt giữ để đưa vào trụ sở để xử lý. Bằng cách thuyết phục có tình, có lý giải thích cho nhân dân đến xem về hành vi sai trái của các đối tượng gây rối, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng đối với Công an; yêu cầu nhân dân giải tán để tạo điều kiện cho Công an xã xử lý vụ việc. Bằng các biện pháp thuyết phục nhưng kiên quyết yêu cầu các đối tượng bình tĩnh hợp tác với Công an giải quyết vụ việc để nhận được cách xử lý có tình tiết giảm nhẹ.

- Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định về các hành vi vi phạm của từng đối tượng. Nếu họ đồng ý ký biên bản thì cho họ về nhà. Trong trường hợp cố tình chống đối, không chịu nhận lỗi thì có thể đề nghị Chủ tịch UBND xã ra quyết định tạm giữ hành chính.

- Công an xã gửi biên bản vi phạm hành chính lên Công an huyện (hoặc UBND huyện) để các cấp có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt hành chính theo quy định.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào