Xử lý khi phát hiện CD Việt Nam đi vào khu vực vành đai biên giới không có giấy tờ tuỳ thân
Đây là tình huống pháp lý phát sinh trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh ở khu vực biên giới. Vấn đề pháp lý mà Công an xã phải giải quyết là giải thích cho những thanh niên đi vào khu vực vành đai biên giới nhưng không có giấy tờ tuỳ thân hiểu là họ vi phạm quy chế quản lý biên giới. Đồng thời, tình huống này cũng đặt ra một số yêu cầu thao tác nghiệp vụ đối với Công an xã.
Về tính chất vi phạm quy chế biên giới của nhóm thanh niên
Điều 15 Luật Biên giới quốc gia 2003 quy định, việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu. Người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới quốc gia phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 6 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, công dân Việt Nam khi vào khu vực biên giới phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ do Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú cấp. Điều 8 Nghị định này quy định, người không sinh sống trong khu vực vành đai biên giới, khi vào vành đai biên giới phải có giấy tờ theo quy định nói trên và phải trực tiếp trình báo Đồn biên phòng hoặc UBND sở tại để thông báo cho Đồn biên phòng.
Như vậy, trong trường hợp này, 7 trong số 10 thanh niên từ một tỉnh trong nội địa đi vào khu vực vành đai biên giới nhưng không có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Mặt khác, qua trình báo về ý định sang tham quan Trung Quốc không qua cửa khẩu xuất, nhập cảnh của họ cho thấy nhóm thanh niên này không hiểu biết các quy định về quy chế biên giới.
Với tính chất vụ việc như vậy, Công an xã cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, giải thích cho họ biết đây là khu vực vành đai biên giới và pháp luật quy định công dân Việt Nam khi vào khu vực vành đai biên giới phải có đủ giấy tờ như quy định tại Điều 6 Nghị định nêu trên; đồng thời phải trình báo Đồn biên phòng hoặc qua chính quyền cấp xã, phường, thị trấn và phải nói rõ mục đích, nội dung, thời gian, danh sách người, phương tiện, phạm vi đi lại, hoạt động. Cần giải thích để họ hiểu rằng việc họ chấp hành nghĩa vụ trình báo theo quy định không chỉ để cơ quan chức năng có điều kiện theo dõi, quản lý họ mà còn để thực hiện bảo hộ họ trong khu vực biên giới.
Thứ hai, yêu cầu họ ra khỏi khu vực vành đai biên giới ngay lập tức. Nếu họ cố tình không ra khỏi khu vực vành đai biên giới thì yêu cầu họ về trụ sở UBND xã để giải quyết. Nếu họ cố tình không chịu về trụ sở UBND xã thì một mặt, thông báo ngay cho chính quyền xã và Ban Công an xã để tổ chức lực lượng kiên quyết buộc họ về trụ sở UBND xã, đồng thời thông báo ngay cho Đồn biên phòng đang quản lý khu vực biên giới đến hỗ trợ.
Thứ ba, khi 10 người nói trên về trụ sở UBND xã, Công an xã yêu cầu họ khai báo và ghi đầy đủ các thông tin về họ tên, địa chỉ từng người vào sổ trực ban xã.
Thứ tư, nếu họ muốn sang nước láng giềng tham quan thì giải thích cho họ biết phải có giấy tờ hợp lệ như hộ chiếu hoặc giấy thông hành hợp lệ và phải thực hiện việc xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính chứ không được đi qua cửa khẩu phụ hoặc đường mòn biên giới. Do vậy, việc đi qua biên giới của họ hiện nay là bất hợp pháp.
Trong trường hợp phát hiện thấy những người nói trên có những biểu hiện nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự (như có ý định vượt biên trái phép; có nghi vấn vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, v.v...) tại khu vực biên giới thì giao họ cho Đồn biên phòng đang quản lý khu vực biên giới giải quyết theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh biên giới.
Thư Viện Pháp Luật