Xử lý việc thi hành án bồi thường cho cơ quan nhà nước trước ngày 01/7/2004
Nội dung bạn hỏi liên quan đến vấn đề thực hiện việc thay đổi cơ chế thu hẹp phạm vi loại việc chủ động ra quyết định thi hành án quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004 (Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành phần bản án, quyết định sau đây: Án phí, lệ phí Toà án, trả lại tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án. Hình phạt tiền. Tịch thu tài sản, truy thu thuế, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính. Xử lý vật chứng, tài sản đã thu giữ. Thu hồi đất theo quyết định của Toà án. Quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án) so với Điều 20 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993 (Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành bản án, quyết định về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, phạt tiền, tịch thu tài sản và án phí; các quyết định khẩn cấp tạm thời để bảo đảm lợi ích cấp thiết của đương sự, bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án).
Để giải quyết vướng mắc đối với trường hợp trước đây cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu, sau khi trao đổi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 gửi các Phòng Thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm 1.2 mục 1 Công văn này hướng dẫn: “Trong trường hợp trước đây cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu, thì cơ quan thi hành án phải có văn bản hướng dẫn cho người được thi hành làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
Trong trường hợp nêu trên, nếu người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án.
Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án không yêu cầu thi hành án, thì hết thời hạn 3 năm kể từ ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành (01/7/2004), cơ quan thi hành án căn cứ khoản 8 Điều 28 Pháp lệnh này ra quyết định đình chỉ thi hành án”. Tuy nhiên, ngày 27/4/2009 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-BTP hủy bỏ Công văn số 404/TP-THA nêu trên.
Trường hợp bạn hỏi, do cơ quan thi hành án không thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp nên dẫn đến hậu quả còn tồn những việc thi hành án mà lẽ ra đã được xử lý xong nhưng nay không còn căn cứ để xử lý. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự cần rà soát, lập danh sách cụ thể các vụ việc còn tồn đó, xác định rõ nguyên nhân, tình trạng vụ việc, lỗi của người có trách nhiệm giải quyết và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền đề nghị hướng dẫn xử lý. Trong trường hợp này, Chi cục Thi hành án dân sự cần báo cáo Cục Thi hành án dân sự để Cục Thi hành án dân sự tổng hợp báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự để Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo đề nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp thống nhất với các cơ quan liên quan hướng dẫn biện pháp thực hiện.
Thư Viện Pháp Luật