Xử lý khi dân nước láng giềng sang phá hoại hoa màu tại địa phương
Tình trạng người dân của nước láng giềng sang phá hoại hoa màu của người dân Việt Nam đang định cư tại khu vực biên giới thường xảy ra tại các khu vực còn tranh chấp.
Điều 11 Luật Biên giới quốc gia 2003 quy định, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng; giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Điều 17 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia 2003 có quy định, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới nhằm bảo đảm sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng.
Theo nguyên tắc xây dựng chính sách biên giới và phương châm chỉ đạo giải quyết các vấn đề biên giới nêu trên, trong tình huống này, chính quyền xã với trách nhiệm, quyền hạn của mình cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, giải thích cho những người dân Việt Nam trong khu vực biên giới kiềm chế, không được có những hành vi nóng vội mà có thể gây ra xung đột giữa người dân Việt Nam với những thanh niên có vũ khí nói trên;
Thứ hai, thông báo ngay cho Bộ đội biên phòng đang quản lý khu vực biên giới để Bộ đội biên phòng giải quyết theo quy định của pháp luật liên quan;
Thứ ba, lập biên bản xác định mức độ thiệt hại, thông báo cho Bộ đội biên phòng để Bộ đội biên phòng yêu cầu Bộ đội biên phòng nước láng giềng xử lý với những người vi phạm và bồi thường thiệt hại;
Thứ tư, có biện pháp hỗ trợ cho những gia đình đã bị gây thiệt hại trong vụ việc này để họ tiếp tục canh tác trên mảnh đất họ vừa bị gây thiệt hại.
Thư Viện Pháp Luật