Thu tiền của người nộp thay người phải thi hành án
Người khác nộp tiền thi hành án thay người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án thu tiền là có cơ sở.
Việc nộp thay tiền này được xác định là một loại đại diện theo ủy quyền quy định tại Điều 139, 142 và Điều 143 Bộ luật Dân sự. Đại diện là việc một người (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Tuy nhiên, trong trường người khác nộp tiền thi hành án thay người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án cần xác định cụ thể rõ ràng về việc nộp tiền thay này (như: mẹ nộp tiền thay cho con, anh nộp tiền thay cho em, bạn bè nộp tiền thay cho nhau v.v.) để dễ theo dõi, báo cáo khi cần thiết. Khi thu tiền, cơ quan thi hành án sử dụng biên lai theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự, tại mục “người nộp tiền” thì ghi rõ họ tiên người nộp tiền và ghi chú bằng cách mở đóng ngoặc đơn ghi rõ nộp tiền thay người phải thi hành cho chặt chẽ.
Thư Viện Pháp Luật