Xử lý trường hợp người dân quá khích
Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 quy định, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ của họ thì có thể bị phạt đến 7 năm tù. Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 quy định, người nào huỷ hoại tài sản của người khác gây thiệt hại từ 500 nghìn đồng trở lên có thể bị phạt đến tù chung thân và có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc những công việc nhất định đến 5 năm. Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999 quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt đến 7 năm tù.
Vụ việc này thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan tư pháp liên quan đến việc xảy ra tai nạn và đập phá xe ô tô: cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án. Tuy nhiên, trong phạm vi trách nhiệm của mình, chính quyền xã nơi xảy ra vụ việc cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, trong khi xảy ra vụ việc, chính quyền xã cần đứng ra can thiệp, tổ chức lực lượng ngăn chặn ngay những hành vi đập phá xe ô tô của cơ quan Công an; cản trở Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ;
Thứ hai, phối hợp với Cảnh sát giao thông giải tán việc tụ tập đông người, ổn định cuộc sống của nhân dân xung quanh nơi xảy ra sự việc;
Thứ ba, tổ chức để Ban Công an xã giữ nguyên hiện trường xảy ra sự việc, cấp cứu người bị nạn (nếu còn sống), khoanh vùng những nơi không ai được qua lại để bảo vệ hiện trường, phục vụ cho công tác điều tra;
Thứ tư, khẩn trương phát hiện người chứng kiến và biết rõ sự việc xảy ra như thế nào, sơ bộ thu thập lời khai của họ để hỗ trợ cơ quan Điều tra thuận lợi trong công tác điều tra;
Thứ năm, xác định những người đã có hành vi đốt cháy xe ô tô của cơ quan Công an, đẩy xe ô tô của Cảnh sát giao thông xuống hồ và thông báo thông tin này cho cơ quan Điều tra đến làm nhiệm vụ;
Thứ sáu, phối hợp và thực hiện các yêu cầu của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đặt ra trong giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả xảy ra.
Thư Viện Pháp Luật