Xử lý trường hợp không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ
Để giải quyết tình huống nói trên, cán bộ UBND xã vận dụng các quy định pháp luật để xem xét: mức độ vi phạm các quy định về gọi nhập ngũ của anh Q và các hình thức xử lý mà UBND xã đưa ra theo thẩm quyền; hoàn cảnh gia đình anh Q có đủ là điều kiện để hoãn gọi nhập ngũ đối với anh Q theo quy định của pháp luật hay không.
Với tình huống nói trên, cán bộ UBND xã cần áp dụng các văn bản pháp luật sau đây để xử lý: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1994, 2005, sau đây gọi là Luật Nghĩa vụ quân sự); Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng; Thông tư số 29/2004/TT-BQP ngày 08/3/2004 của Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng.
Trình tự giải quyết tình huống
- Về hành vi vi phạm của anh Q: theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự. Điều 22 Luật này quy định: công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ, nếu có lý do chính đáng không thể đến đúng thời gian và địa điểm thì phải có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Do vậy, việc anh Q đã kiểm tra sức khoẻ và có tên trong danh sách công dân sẵn sàng nhập ngũ nhưng không có mặt tại địa điểm quy định trong lệnh gọi nhập ngũ và không thông báo với UBND xã về lý do vắng mặt của mình là đã vi phạm các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự và sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
- Về hoàn cảnh gia đình của anh Q: theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Nghĩa vụ quân sự, nếu công dân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì được xem xét hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình. Như vậy, UBND xã phải kiểm tra xem anh Q có thuộc diện đối tượng tạm hoãn hay không. Nếu không thuộc đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì việc cơ quan quân sự địa phương ra quyết định gọi nhập ngũ đối với anh Q là đúng và UBND xã không chấp nhận đơn đề nghị của anh Q, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp. Nếu anh Q thuộc diện đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã xem xét việc này để UBND xã có thể đề nghị tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với anh Q và tạo điều kiện cho anh tìm việc làm.
- Về hình thức xử phạt hành chính đối với anh Q: theo quy định tại Điều 9 và Điều 37 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, đối với trường hợp của anh Q, người có thẩm quyền là Chủ tịch UBND xã có quyền áp dụng mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi của anh Q do không có mặt đúng thời gian, địa điểm quy định đã ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Ngoài việc bị phạt tiền, anh Q còn buộc phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật vào đợt nhập ngũ tiếp theo nếu anh không thuộc diện đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Thư Viện Pháp Luật