Xử lý việc người Việt Nam đi vào khu vực biên giới không khai báo tạm trú
Về tính chất vụ việc
Đây là trường hợp vi phạm hành chính thường xảy ra ở khu vực biên giới cửa khẩu, nơi có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa. Để giải quyết vụ việc triệt để và đúng pháp luật, trước hết cần xác định chính xác tính chất của những hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong vụ việc.
Trong vụ việc nói trên có ba đối tượng vi phạm hành chính (hai người nghỉ trọ và chủ nhà trọ) với các vi phạm hành chính sau đây:
- Các vi phạm hành chính của hai đối tượng nghỉ trọ:
+ Hành vi tạm trú trong khu vực biên giới nhưng không đăng ký tạm trú vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời cũng là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật cư trú 2006 ngày 29/11/2006. Do vi phạm quy định về đăng ký tạm trú ở địa bàn thuộc khu vực biên giới nên vi phạm hành chính của hai đối tượng này sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng;
+ Hành vi không mang theo Giấy chứng minh nhân dân khi đi vào khu vực biên giới của một trong hai đối tượng nghỉ trọ vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP nêu trên. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên với mức phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
- Vi phạm của chủ nhà trọ: trong vụ việc này, chủ nhà trọ không thực hiện việc đăng ký tạm trú cho khách trọ là vi phạm quy định về đăng ký hộ khẩu. Tuy nhiên, cần lưu ý là theo khoản 3 Điều 31 Luật cư trú 2006 ngày 29/11/2006 thì “Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần”, do đó hành vi không khai báo tạm trú của chủ nhà trọ chưa cấu thành vi phạm hành chính.
Với phân tích như trên, có thể thấy phương án mà đồng chí T dự kiến áp dụng để giải quyết vụ việc là không đúng đối tượng và không phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện cụ thể ở các điểm sau:
- Đối với hai đối tượng nghỉ trọ: theo phân tích trên đây thì hành vi không đăng ký tạm trú của hai đối tượng này sẽ bị xử phạt ở mức khởi điểm là 200.000 đồng. Trong khi đó, Cảnh sát khu vực khi đang thi hành công vụ chỉ có thẩm quyền xử phạt tới 100.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên). Như vậy, việc xử lý hành vi này vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính của đồng chí T;
- Đối với chủ nhà trọ: đồng chí T dự kiến xử phạt chủ nhà trọ 100.000 đồng về hành vi không khai báo tạm trú cho người nghỉ trọ là không phù hợp vì trong vụ việc này, hành vi của chủ nhà trọ chưa cấu thành vi phạm hành chính. Do đó, Cảnh sát khu vực chỉ nên nhắc nhở chủ nhà trọ về sự cần thiết của việc đăng ký tạm trú ở khu vực biên giới, phê bình đối với chủ nhà trọ mà không nên áp dụng việc xử phạt hành chính.
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy ý kiến của lực lượng dân phòng là đưa các đối tượng vi phạm về trụ sở Công an phường để Chỉ huy Công an phường xử lý vụ việc theo thẩm quyền là hợp lý.
Về thẩm quyền giải quyết
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên thì thẩm quyền xử phạt hành chính đối với vi phạm của hai đối tượng nghỉ trọ trong vụ việc này thuộc thẩm quyền của Trưởng công an phường.
Trình tự giải quyết
Bước 1: sau khi yêu cầu các đối tượng vi phạm về trụ sở công an phường, Công an phường cần yêu cầu người không có Giấy chứng minh nhân dân làm bản tường trình, trong đó yêu cầu nêu rõ các vấn đề về nhân thân, đồng thời yêu cầu đối tượng đi cùng làm chứng xác nhận về các thông tin mà người không có Giấy chứng minh nhân dân đã tường trình. Đồng thời, Công an phường cũng cần giải thích cho họ biết các quy định pháp luật về quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu; quy định pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu để cho họ biết, thực hiện, tránh tái phạm.
Bước 2: đồng chí T, người thụ lý vụ việc từ đầu, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính riêng đối với từng đương sự theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Bước 3: Trưởng Công an xã căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với từng người.
Thư Viện Pháp Luật