Xử lý việc người nước ngoài vào khu vực biên giới không có hộ chiếu, không có giấy phép
Căn cứ pháp luật để giải quyết vụ việc
Việc người nước ngoài đi du lịch trong ngày không mang theo giấy tờ tuỳ thân, không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cho vào khu vực biên giới như trong tình huống này là trường hợp thường xảy ra, nhất là đối với khu vực biên giới các tỉnh giáp Trung Quốc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Việc người nước ngoài đi du lịch trong ngày không có giấy tờ tuỳ thân, không có giấy phép của cơ quan xuất, nhập cảnh cho phép vào khu vực biên giới là vi phạm pháp luật. Trong vụ việc này, đối tượng người nước ngoài đã có các hành vi vi phạm sau:
- Đi lại trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu;
- Đi vào khu vực biên giới nhưng không có giấy phép của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Công an tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Điều 7 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cách thức giải quyết vụ việc
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 150/2005/ NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người ra vào khu vực biên giới, cửa khẩu không có giấy tờ theo quy định và khoản 1 Điều 22 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ khác thay hộ chiếu; không xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ khác thay hộ chiếu khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra. Như vậy, căn cứ vào thẩm quyền và mức phạt thì hai hành vi trên vừa thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Trưởng công an cấp xã vừa thuộc thẩm quyền của cơ quan thẩm quyền trên một cấp. Do đó, theo nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp này, Công an xã cần chuyển vụ việc cho Trưởng công an huyện để thực hiện việc xử phạt theo thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật