Thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án khi không còn căn cứ
Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này cho phép Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự chủ động trong việc lựa chọn tài sản của người phải thi hành án khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thuận lợi cho việc thi hành án (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, thì cơ quan thi hành án chỉ kê biên tài sản khác của doanh nghiệp phải thi hành án nếu sau khi đã khấu trừ số dư (tiền Việt Nam, ngoại tệ); xử lý vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá khác; khấu trừ tài sản của người phải thi hành án đang do cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân khác giữ mà vẫn không đủ để thi hành án).
Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 nêu trên thì trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà việc đề nghị không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên lập biên bản giải thích cho đương sự về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đối với việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Đương sự không bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác còn lại. Trường hợp tài sản mà người phải thi hành án đề nghị kê biên không đủ để thi hành các nghĩa vụ thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên phải yêu cầu người phải thi hành án không được thực hiện giao dịch đối với những tài sản khác còn lại.
Do đó, trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định kê biên tài sản là bất động sản nhưng người phải thi hành án đề nghị thay đổi bằng động sản giá trị cao thì cơ quan thi hành án có quyền xem xét, quyết định. Nếu đề nghị của người phải thi hành án không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên lập biên bản giải thích cho đương sự về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đối với việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Trường hợp tài sản mà người phải thi hành án đề nghị kê biên không đủ để thi hành các nghĩa vụ thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên phải yêu cầu người phải thi hành án không được thực hiện giao dịch đối với những tài sản khác còn lại và cần duy trì quyết định kê biên bất động sản trong thời gian xử lý động sản.
Khi đã kê biên, xử lý tài sản là động sản của người phải thi hành án, thì việc xử lý đối với quyết định kê biên bất động sản trước đó tùy từng trường hợp, mức độ cụ thể có khác nhau.
Do bạn chỉ nêu tình huống mà không có hồ sơ vụ việc cụ thể, vì vậy cần lưu ý hướng xử lý theo các trường hợp như sau:
- Thứ nhất, trường hợp đương sự thoả thuận về việc giải toả kê biên tài sản là bất động sản mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định, thì căn cứ Điều 105 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định giải toả kê biên và trả lại tài sản là bất động sản cho người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ nêu trên.
- Thứ hai, trường hợp xét thấy tài sản là động sản được kê biên đủ để thi hành án, cơ quan thi hành án không áp dụng bị pháp cưỡng chế kê biên đối với bất động sản nữa, căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn, thì căn cứ điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án đối với bất động sản.
Tuy nhiên, vì Chấp hành viên đã kê biên bất động sản, sau đó người phải thi hành án mới đề nghị kê biên động sản, do đó để đảm bảo việc thi hành án hiệu quả, thì cơ quan thi hành án dân sự nên chú ý thực hiện theo trường hợp thứ nhất.
Thư Viện Pháp Luật