Hiểu quy định “vợ chồng có quyền quyết định số con” như thế nào cho đúng?
Tình huống nói trên hiện nay vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và những nơi mặt bằng dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Vấn đề mấu chốt trong tình huống này là sự hiểu sai quy định của Pháp lệnh Dân số về quyền quyết định số con, cùng với tâm lý “trọng nam, khinh nữ”, muốn có con trai nối dõi đã khiến anh Tâm, chồng chị Hương có suy nghĩ cố chấp, thậm chí có khả năng dẫn đến những hành vi phá vỡ hạnh phúc gia đình, vi phạm pháp luật. Bởi vậy, để giúp đỡ chị Hương bảo vệ hạnh phúc gia đình, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần phối hợp chặt chẽ với Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội khác mà anh Tâm là thành viên để vừa răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật dân số, vừa vận động, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của anh Tâm.
Để có cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thuyết phục, vận động đối với anh Tâm, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần nắm vững các quy định về quyền và nghĩa vụ bình đẳng giữa vợ và chồng trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, cũng như những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực dân số được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Pháp lệnh Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các quy định về hoà giải ở cơ sở.
Việc giải quyết tình huống này cần được tiến hành theo những bước sau:
Bước 1: Cán bộ tư pháp xã thụ lý và nghiên cứu đơn đề nghị của chị Hương. Trường hợp cần tìm hiểu rõ thêm về hoàn cảnh, đời sống gia đình và các vấn đề có liên quan khác thì có thể mời chị Hương trao đổi thêm;
Bước 2: Nghiên cứu các quy định của pháp luật, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND xã về phương án giải quyết sự việc;
Bước 3: Thông báo mời vợ chồng chị Hương đến trụ sở UBND làm việc;
Bước 4: Tổ chức cuộc họp giải quyết đơn đề nghị của chị Hương có sự tham gia của vợ chồng chị Hương và các tổ chức chính trị - xã hội của xã.
Thứ nhất, khẳng định quan điểm của chồng chị Hương về việc từ năm 2003, Nhà nước cho phép các gia đình thích đẻ bao nhiêu con cũng được là không phù hợp với tinh thần của Pháp lệnh Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành vì: điểm a khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định, mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con, nhưng điều này không có nghĩa là các cặp vợ chồng muốn đẻ bao nhiêu con cũng được vì cùng với quyền quyết định số con, các cặp vợ chồng còn có nghĩa vụ thực hiện các quy định sau:
+ Nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định về nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hoá gia đình; xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số thì mô hình gia đình ít con là mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con. Đây là mục tiêu của chính sách dân số của nước ta nhằm ổn định quy mô dân số, bảo đảm cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý, nâng cao chất lượng dân số. Do đó, mỗi công dân Việt Nam, với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình phải tích cực đóng góp, tham gia vào việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình;
+ Nghĩa vụ nuôi dạy con cái thành công dân có ích cho xã hội; nghĩa vụ không được phân biệt đối xử giữa con trai và con gái được quy định tại khoản 4 Điều 2 và khoản 2 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Đồng thời khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định, kế hoạch hoá gia đình là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh, góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Thứ hai, khẳng định hiện tại vợ chồng chị Hương có 3 con là đã vi phạm pháp luật về dân số, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, việc quyết định sinh con phải là sự thống nhất ý chí của vợ và chồng trên cơ sở sự bình đẳng về ý chí và quyền quyết định, đồng thời phải chú ý đến các yếu tố đặc thù giới tính, nhằm giúp đỡ người phụ nữ thực hiện tốt thiên chức của người mẹ. Tình trạng sức khoẻ của chịHương đã giảm sút qua nhiều lần sinh nở, do đó, việc tiếp tục sinh con sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ của chị.
Thứ tư, khẳng định việc chồng chị Hương thúc ép chị mang thai là một trong những hành vi cưỡng bức, cản trở việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP. Đây là hành vi bị nghiêm cấm, do đó, người thực hiện hành vi này sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt theo quy định tại Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em. Theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em thì hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai, sinh con gái của anh Tâm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Thứ năm, đề nghị vợ chồng chị Hương thực hiện đúng nghĩa vụ công dân về công tác dân số theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh Dân số năm 2003.
Thứ sáu, đề nghị các cơ quan phối hợp và đại biểu tham gia có ý kiến. Sau đó kết luận cuộc họp.
Bước 5: Hoàn thiện biên bản cuộc làm việc, gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và vợ chồng chị Hương.
Cần lưu ý là để đạt hiệu quả trên thực tế, sau khi thực hiện việc hoà giải, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần đề nghị Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội mà anh Tâm là thành viên tiếp tục theo dõi, giám sát và vận động đối với anh Tâm.
Thư Viện Pháp Luật