Quyền tham gia hoạt động xã hội của phụ nữ
Theo Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 ngày 29/11/2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị:
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia vềbình đẳng giới;
b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia vềbình đẳng giới.
Ngoài ra, hành vi chửi mắng, đánh đập, hăm doạ đuổi chị Liên ra khỏi nhà, dù vì bất kỳ lý do hoặc nguyên nhân nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm. Trong trường hợp này đã đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Sáng theo quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi hành hạ thành viên trong gia đình tại Điều 11 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP.
Tuy nhiên, việc xem xét có xử phạt hay không hoặc xử phạt với hình thức và mức độ nào cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở quyền lợi của chị Liên. Trong trường hợp này, vì mối quan hệ giữa người sẽ bị xử phạt (anh Sáng) với người bị tổn hại (chị Liên) là quan hệ vợ chồng nên khi xem xét việc xử phạt, Chủ tịch UBND xã nên tham khảo ý kiến của chị Liên để từ đó có thể đặt ra các khả năng sau:
+ Nếu xét thấy có thể làm anh Sáng thay đổi nhận thức, chấm dứt các hành vi vi phạm thì không nên áp dụng việc xử phạt, vì việc xử phạt làm người chồng mất sĩ diện, sẽ có thể trở nên cố chấp hơn, từ đó dẫn đến những hành vi tiếp tục gây khó khăn cho vợ mình, làm mâu thuẫn gia đình trầm trọng thêm.
+ Nếu xét thấy việc giáo dục, thuyết phục đối với anh Sáng là biện pháp không có hiệu quả thì cần xử phạt nghiêm khắc theo đúng quy định, nếu anh Sáng tiếp tục có hành vi tái phạm thì có cơ sở pháp lý để xử lý anh Sáng bằng chế tài nghiêm khắc hơn (xử lý hình sự).
Trình tự giải quyết vụ việc
Bước 1: Chủ tịch UBND xã phân công cán bộ tư pháp tiếp nhận đơn, phối hợp với Hội phụ nữ và Trưởng thôn nơi vợ chồng anh Sáng cư trú để nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các vấn đề có liên quan đến vụ việc một cách khách quan;
Bước 2: UBND xã triệu tập anh Sáng đến làm việc tại trụ sở UBND và tổ chức buổi làm việc do lãnh đạo UBND xã chủ trì, có sự tham gia của cán bộ tư pháp, Công an xã và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan. Nội dung buổi làm việc như sau:
- Thứ nhất, yêu cầu anh Sáng tường trình và giải thích rõ tất cả những việc làm của mình đã được phản ánh trong đơn của chị Liên và thông tin do những người khác cung cấp;
- Thứ hai, trên cơ sở giải thích của anh Sáng và những thông tin có được qua xác minh, người chủ trì buổi họp phân tích làm rõ tính chất vi phạm pháp luật trong hành vi của anh Sáng, đồng thời, tạo điều kiện để các thành phần tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến bổ sung nhằm đạt tới mục đích sau:
+ Làm cho anh Sáng nhận thức về sai phạm của mình; hiểu và nắm rõ nghĩa vụ tôn trọng quyền bình đẳng và các lợi ích hợp pháp của vợ mình;
+ Răn đe ngăn ngừa tái phạm;
- Thứ ba, yêu cầu anh Sáng phải cam kết chấm dứt các hành vi trái pháp luật và có trách nhiệm tạo điều kiện cho chị Liên tham gia hoạt động xã hội tuỳ theo khả năng và nguyện vọng của chị Liên;
Bước 3: UBND xã giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện cam kết của anh Sáng cho các tổ chức chính trị - xã hội (tuỳ thuộc vào thực tế anh Sáng là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội nào mà giao nhiệm vụ cho tổ chức đó. Nếu không, có thể giao trách nhiệm cho Hội Phụ nữ - nơi chị Liên là hội viên).
Bước 4: Trường hợp anh Sáng phản ứng trước những vấn đề nêu ra tại cuộc họp, tiếp tục có những hành vi cản trở, xúc phạm thân thể và danh dự của chị Liên thì lãnh đạo UBND xã giao nhiệm vụ cho cán bộ tư pháp phối hợp với Công an xã tham mưu phương án xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp, đã bị xử lý hành chính nhưng tiếp tục vi phạm thì xem xét việc đề nghị Công an cấp huyện điều tra để xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực gia đình của anh Sáng.
Bước 5: Từ vụ việc này, Chủ tịch UBND xã cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên và nhân dân trong xã để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật do định kiến giới.
Thư Viện Pháp Luật