Điều kiện và trình tự công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”
Tình huống trên đòi hỏi cán bộ UBND xã vận dụng các quy định pháp luật để xem xét và giải quyết các vấn đề sau: tiêu chuẩn công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; điều kiện công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; hồ sơ đề nghị và thủ tục công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”.
Cán bộ UBND xã phải áp dụng quy định tại Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” (dưới đây viết tắt là Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT).
Về tiêu chuẩn công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”
Cán bộ UBND xã căn cứ vào Điều 4 Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT để hướng dẫn các tiêu chuẩn công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, bao gồm:
- Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương như:
+ Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật nhà nước và quy ước, hương ước cộng đồng;
+ Giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hoá nơi công cộng;
+ Không sử dụng văn hoá phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không mắc tệ nạn xã hội; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội;
+ Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng và bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá, cảnh quan của địa phương.
- Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, cụ thể:
+ Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau, có trách nhiệm nuôi dạy con cái; con cháu hiếu thảo với bố mẹ, ông bà;
+ Trẻ em đang độ tuổi đi học đều được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học trở lên;
+ Mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con, không sinh con thứ ba;
+ Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, ăn ở sạch sẽ, có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch. Các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao;
+ Đoàn kết xóm giềng, tham gia các hoạt động: hoà giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện ở cộng đồng.
- Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả sau:
+ Kinh tế gia đình ổn định, tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên;
+ Các thành viên trong gia đình đều hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập.
Về điều kiện công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”
Danh hiệu “Gia đình văn hoá” được Chủ tịch UBND cấp xã công nhận nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT, cụ thể:
+ Đạt các tiêu chuẩn để công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”;
+ Thời gian đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hoá” là một năm.
Về hồ sơ đề nghị và thủ tục công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”
Cán bộ UBND xã cần hướng dẫn ông Tỵ về hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” đối với một gia đình gồm các giấy tờ sau:
+ Bản đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hoá”;
+ Biên bản họp bình xét ở khu dân cư kèm theo danh sách những gia đình được đề nghị công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Biên bản họp bình xét phải có từ 50% trở lên số người tham gia dự họp nhất trí đề nghị.
Căn cứ vào biên bản họp bình xét ở khu dân cư, Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đề nghị Chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” hàng năm.
Thư Viện Pháp Luật