Khai sinh con ngoài giá thú
1/ Việc đăng ký khai sinh cho con sẽ được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người mẹ cư trú (nơi cư trú bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú). Nếu không xác định được nơi thường trú của người mẹ thì mới đăng ký khai sinh tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người cha. Cụ thể, khoản 1, Điều 13, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định: “Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh”.
Như vậy, anh chỉ có thể đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú của mình tại nơi cư trú của mình khi không thể xác định được nơi cư trú của người mẹ đứa trẻ. Ngoài ra anh chỉ được đứng tên trong phần ghi về người cha trong giấy khai sinh sau khi làm thủ tục nhận cha cho con và được người mẹ đồng ý đối với trường hợp con chưa thành niên (trừ trường hợp đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự).
2/ Về thủ tục đăng ký khai sinh cho con, tại Điều 15, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định:
“1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha mẹ có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng giấy xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người làm giấy khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha ghi trong sổ đăng ký khai sinh và giấy đăng ký khai sinh để trống. Nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
- Về thủ tục nhận cha cho con, Điều 34, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định:
“1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)
2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên”.
Thư Viện Pháp Luật