Chào hàng và ký kết hợp đồng
Để xác định quyền và nghĩa vụ của B và M trước hết phải căn cứ luật nước nào điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá này? Do bạn không cung cấp thông tin của B, giấy báo mà B gửi M nên chúng tôi không thể xác định ngoài pháp luật Việt Nam thì pháp luật nào điều chỉnh về vấn đề này. Trường hợp pháp luật áp dụng là pháp luật nơi B đăng ký kinh doanh hoặc nơi được lựa chọn thì bạn cần phải tìm hiểu về pháp luật đó quy định thế nào về trường hợp này. Nếu luật áp dụng là pháp luật Việt Nam thì chúng tôi xin trả lời như sau:
1/ B thông báo đồng ý bán lô hàng nhưng điều chỉnh lại giá bán sau khi nhận được chấp nhận giao kết của M
Giấy báo giá của B gửi cho M được coi là đề nghị giao kết hợp đồng bởi nó bao gồm các nội dung chủ yếu khách của hợp đồng và được gửi đích danh M. Trong thời gian bên B ấn định thời gian M trả lời, M đã gửi fax thông báo chấp nhận toàn bộ, hợp đồng mua bán đã có hiệu lực pháp lý. Cụ thể, khoản 1, điều 390 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về đề nghị giao kết hợp đồng như sau: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”.
Việc B thông báo thay đổi nội dung đề nghị giao kết chỉ được chấp nhận trước hoặc cùng thời điểm M trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng; hoặc trong đề nghị giao kết của M có nêu rõ điều kiện thay đổi theo quy định tại điều 392 Bộ luật Dân sự 2005.
Như vậy, theo pháp luật quy định, hợp đồng mua bán đã được giao kết. Và B chỉ được thay đổi giá của lô hàng khi trong giấy đề nghị giao kết hợp đồng có quy định điều kiện thay đổi. Nếu không có điều kiện này, B không có quyền thay đổi nội dung đề nghị giao kết và buộc phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.
2/ B thông báo điều chỉnh giá bán lô hàng sau khi nhận được chấp nhận đề nghị giao kết của M và M đồng ý với điều kiện B đưa ra.
Trong điều 8 của Hợp đồng có quy định: “Ngay sau khi ký kết hợp đồng người mua phải mở cho người bán một bảo lãnh thực hiện hợp đồng (an Irrevocablly and Unconditional Performance Bond- PB) trị giá tương ứng 2% trị giá hợp đồng tại Ngân hàng HSBC Việt Nam. Hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ ngày người bán nhận được bảo lãnh này”.
Như vậy, hợp đồng có hiệu lực khi B nhận được PB từ M với điều kiện ngay khi ký hợp đồng M phải mở PB tại Ngân hàng HSBC Việt Nam. Nhưng đến ngày 15/04/2009, M mới mở và chuyển PB cho B là vi phạm hợp đồng.
Việc M kiện ra trọng tài thương mại yêu cầu B phải bồi thường thiệt hại do phải trả chi phí mở và chuyển PB là không có căn cứ pháp luật. Theo điều 303, Luật Thương mại 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại có quy định:
“Trừ trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2.Có thiệt hại thực tế;
3.Hành vi vi pháp hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”.
Do đó thiệt hại của M không phải do hành vi vi phạm hợp đồng của B gây ra. Chính vì vậy, M không có quyền yêu cầu B bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Thư Viện Pháp Luật