Quy định bồi thường trong trường hợp người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết
Anh Vân là người đã đâm xe vào tủ hàng của bà Lệ, hành vi của anh Vân đã gây thiệt hại về tài sản cho bà Lệ. Tuy nhiên, phải căn cứ vào hoàn cảnh gây ra thiệt hại và mức độ lỗi của anh Vân để xem xét việc anh Vân có phải bồi thường thiệt hại cho bà Lệ hay không.
Tình huống này phát sinh hai vấn đề: trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết; xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Lệ.
Tình huống này được giải quyết dựa vào Điều 262 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết và Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật Dân sự năm 2005, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Trong trường hợp này, vì muốn tránh gây tai nạn cho chị Hiền, anh Vân đã không còn cách nào khác là phải tránh xe vào lề đường, do vậy, đã đâm xe vào tủ bày hàng của bà Lệ. Sự việc xảy ra trong một hoàn cảnh bất khả kháng, ngoài ý muốn chủ quan của anh Vân. Nếu không kịp tránh, anh Vân chắc chắn đâm xe vào chị Hiền, hậu quả sẽ không lường trước được cho cả anh và chị Hiền. Nếu xảy ra tai nạn, thiệt hại chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với chiếc tủ bị vỡ kính.
Như vậy, anh Vân đã gây ra thiệt hại cho bà Lệ trong tình thế cấp thiết nên anh không có lỗi và không phải bồi thường thiệt hại cho bà Lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005.
- Xác định người bồi thường thiệt hại cho bà Lệ: Chị Hiền cố tình vượt xe sang đường dù đã nhìn thấy xe anh Vân đang đi tới. Rõ ràng, chị Hiền không những đã có lỗi do vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn là người gây ra tình thế cấp thiết. Trong trường hợp này, khoản 3 Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Như vậy, chị Hiền là người phải bồi thường thiệt hại cho bà Lệ và hai người có thể tự thoả thuận với nhau về mức độ bồi thường.
Thư Viện Pháp Luật