Trách nhiệm của UBND xã trong việc xử phạt vi phạm quy định về giao dịch với khách hàng, người tiêu dùng
Để giải quyết tình huống nêu trên đúng pháp luật, Chủ tịch UBND xã K cần nắm vững những quy định pháp luật để vận dụng những quy định đó trong việc giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền của mình đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.
Thứ nhất, hành vi của chị An có phải là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh thương mại hay không? Theo những tình tiết nêu trong tình huống thì chị An là người bán hàng, ông Tân là khách mua hàng, căn cứ vào lời khai của ông Tân, chị An và những người làm chứng thì trong tình huống này chị An đã có chủ ý trong việc bơm xăng vào người ông Tân. Hơn thế nữa, trước đó đã có thái độ không tôn trọng khách hàng. Do đó, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP, hành vi của chị An đã vi phạm quy định về giao dịch với khách hàng, người tiêu dùng, cụ thể là có lời nói, cử chỉ, hành động xúc phạm khách hàng khi bán hàng.
Thứ hai, Chủ tịch UBND xã K có thẩm quyền và điều kiện cần thiết để xử phạt hành chính đối với hành vi của chị An hay không? Căn cứ Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh số 04/2008/QH12 và điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì hành vi vi phạm nêu trên của chị An có hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Do đó, Chủ tịch UBND xã K có thẩm quyền xử phạt.
Thứ ba, thủ tục, trình tự xử phạt đối với chị An? Căn cứ các điều 55, 56, 57 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi bổ sung tại khoản 22, 24 Điều 1 Pháp lệnh số 04/2008/QH12, Chủ tịch UBND thực hiện thẩm quyền xử phạt của mình theo trình tự như sau:
- Kiểm tra hồ sơ vụ việc, nghiên cứu kỹ biên bản vi phạm, trong đó cần lưu ý biên bản phải ghi đầy đủ lời khai của ông Tân, chị An cùng những người chứng kiến với đầy đủ họ tên, địa chỉ;
- Ra quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản;
- Gửi quyết định xử phạt cho chị An trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Hành vi gây rối trật tự công cộng – hành vi vi phạm tiếp theo của chị An: rõ ràng chị An không những có lời nói xúc phạm khách hàng mà còn có hành vi cố ý bơm xăng vào mặt ông Tân, đây là hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại sức khỏe của ông Tân. Vì vậy cần phải xử lý VPHC theo Điều 27 Nghị định 06/2008/NĐ-CP và hành vi gây rối trật tự công cộng (đánh nhau với người khác) theo Khoản 2 Điều 7 nghị định 150/2005/NĐ-CP. Căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2008, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chị An về hành vi gây rỗi trật từ công cộng thuộc thẩm quyền của UBND xã.
Thư Viện Pháp Luật