Lãi suất quá hạn trong giai đoạn thi hành án đối với các Hợp đồng tín dụng
1. Việc thi hành án dân sự đối với khoản lãi suất chậm thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc tính lãi suất chậm thi hành án vẫn căn cứ khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của Tòa án nhân dân tối cao). Tuy nhiên, Thông tư liên tịch này có những nội dung không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó (như: lãi đối với số tiền chậm trả theo “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố” quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005 thay cho “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định” theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 1995). Vì vậy, cách xác định thời điểm và cách tính lãi phát sinh do chậm thi hành án hiện nay căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997, Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản cho từng thời điểm.
Lãi suất chậm thi hành án được tính theo từng loại việc như sau: Kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chủ động thi hành) và từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Khi tính lãi chậm thi hành án chỉ tính lãi của số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền chưa trả trong quá trình thi hành án.
Mức lãi suất cơ bản theo Quyết định số 2665/QĐ-NHNN ngày 01/12/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là 8%/năm.
Như vậy, hiện nay cơ quan thi hành án cho áp dụng mức lãi suất quá hạn trong giai đoạn thi hành án đối với các HĐTD căn cứ vào mức lãi thỏa thuận trong hợp đồng vay tín dụng x 150% (cụ thể 1,75 x150%) là không có cơ sở pháp luật. Nếu bản án, quyết định của Toà án tuyên lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn không đúng pháp luật, thì cơ quan thi hành kiến nghị Toà án xem xét lại bản án, quyết định đó cho đúng quy định của pháp luật.
2. Trường hợp trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ngân hàng cho hạn trả là 3 tháng, thì trong thời hạn 3 tháng này người phải chưa có nghĩa vụ thi hành án trả nợ (trừ trường hợp họ tự nguyện thi hành án), nghĩa vụ thi hành án trả nợ bắt đầu tính từ sau thời hạn 3 tháng theo thoả thuận của các đương sự. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong quyết định của Toà án, nên theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự thì thời hạn yêu cầu thi hành án là 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn (thời điểm sau thời hạn 3 tháng theo thoả thuận của các đương sự). Do vậy, không có cơ sở để buộc người phải thi hành án phải chịu lãi suất chậm thi hành án trong thời gian nghĩa vụ thi hành án chưa đến hạn đó, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận và quyết định của Toà án có tuyên rõ về nội dung này.
Thư Viện Pháp Luật