Chăn thả súc vật trên đường sắt và ném đất, đá lên tàu gây thương tích cho hành khách trên tàu
Hiện tượng trẻ em (có khi cả người lớn) chăn thả trâu, bò xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt xảy ra không ít tại những địa phương có đường sắt đi qua. Hành vi nguy hiểm gây mất an toàn cho hoạt động chạy tàu của ngành Đường sắt này là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 9 Điều 12 Luật Đường sắt năm 2005 về cấm chăn thả súc vật, họp chợ trên đường sắt, trong hành lang bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt. Hành vi nguy hiểm không kém, đó là nhặt đất đá ném lên đoàn tàu khi tàu chạy qua gây thương tích cho hành khách, vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 12 Luật Đường sắt cấm ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống. Cả hai hành vi trên đều phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để tình trạng tái diễn tương tự xảy ra. Thẩm quyền xử lý vụ việc ở đây thuộc về UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua mà cụ thể là UBND cấp xã N nơi xảy ra hành vi ném đá lên tàu như đã nêu trên. Khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt quy định, UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn; điểm a khoản 2 Điều 82 Luật Đường sắt quy định, UBND các cấp nơi có ga đường sắt, tuyến đường sắt đi qua có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an địa phương phối hợp với lực lượng bảo vệ đường sắt ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt và các hành vi khác vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Theo Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, thì hành vi thả trâu, bò, gia súc trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt bị phạt cảnh cáo từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm c khoản 1 Điều 11); hành vi ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống khi tàu đang chạy bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (khoản 2 Điều 36).
Căn cứ vào các quy định trên, UBND xã X cần tiến hành các công việc sau:
- UBND xã X cần cử ngay cán bộ xuống hiện trường xác minh sự việc, trong đó có việc xác định nhóm trẻ đã chăn thả trâu, bò ở khu vực xảy ra hành vi ném đá lên tàu ngày hôm đó để tìm ra thủ phạm ném đá nhằm giáo dục, răn đe đối tượng không được tiếp tục vi phạm; đồng thời yêu cầu gia đình viết bản cam kết bảo lãnh tự giáo dục những người vi phạm không chăn thả trâu, bò ở khu vực ven đường sắt, cũng như không được ném đất, đá lên tàu;
- Giao cho các Trưởng thôn, Trưởng bản thông báo cho bà con các thôn, bản trường hợp vi phạm nêu trên để họ nhắc người trong gia đình và những người xung quanh không có hành vi vi phạm tương tự. Nếu xảy ra vi phạm, UBND xã áp dụng những biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền như đã nêu trên (theo Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Điều 39, 40 Nghị định số 44/2006/NĐ-CP) và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với nhà trường tiếp tục phát động phong trào: “Em yêu đường sắt quê em” để giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đường sắt cho học sinh nhằm ngăn chặn những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thư Viện Pháp Luật