Việc ủy quyền giải quyết tranh chấp
Theo quy định tại khoản 2, Điều 139, Bộ luật Dân sự 2005, thì “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.”
Theo các điều 142, 143 của Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 142. Đại diện theo uỷ quyền
1. Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện.
2. Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.
Điều 143. Người đại diện theo uỷ quyền
1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Như vậy, theo các quy định chúng tôi viện dẫn ở trên, việc vợ ủy quyền (theo đúng quy định của pháp luật) cho chồng thực hiện việc giải quyết các tranh chấp về đất đai tại UBND xã là việc được pháp luật cho phép nên việc UBND xã từ chối làm việc với người được ủy quyền là không đúng quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật