Quy trình giám định khả năng lao động lần đầu như thế nào?
Trường hợp của chị T nếu nghỉ chờ chế độ hưu thì phải ra Hội đồng giám định y khoa để giám định khả năng lao động. Vì theo điểm 2.1 mục 2 Phần II Thông tư số 18/2000/TT-BYT quy định, đối tượng được giám định khả năng lao động để thực hiện chế độ hưu trí là: người lao động khi sức khoẻ bị suy giảm và người lao động về nghỉ chờ đủ tuổi đời để hưởng lương hưu hàng tháng.
Hồ sơ giám định khả năng lao động lần đầu để thực hiện chế độ hưu trí gồm: Đơn của người lao động xin giám định khả năng lao động; Tóm tắt hồ sơ của người lao động và bệnh án chi tiết.
Điểm 2.3.2 mục 2 Phần II Thông tư số 18/2000/TT-BYT quy định: người về hưu chờ đủ tuổi đời để hưởng lương hưu hàng tháng khi bị ốm đau, tai nạn rủi ro mà suy giảm khả năng lao động làm đơn cùng với giấy chứng nhận chờ hưởng chế độ hưu trí gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi đang quản lý xin giám định khả năng lao động.
Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận đơn, sao lục giấy chứng nhận chờ hưởng chế độ hưu trí do người về hưu chờ chuyển đến, hướng dẫn người về hưu chờ lập bệnh án chi tiết để hoàn chỉnh hồ sơ gồm: Đơn xin giám định khả năng lao động; Giấy chứng nhận chờ hưởng chế độ hưu trí bản sao (thay tóm tắt hồ sơ của người lao động); Bệnh án chi tiết.
Bệnh án chi tiết đối với người về hưu chờ do các cơ sở y tế của Nhà nước lập gồm: tuyến trung ương, tuyến tỉnh, bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, bệnh viện quân khu, quân đoàn, Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh xá các đơn vị lực lượng vũ trang và trạm y tế cơ sở theo quy định tại Nghị định số 01/1998/NĐ-CP ngày 03/01/1998 của Chính phủ về hệ thống tổ chức y tế địa phương. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định nói trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh giới thiệu và chuyển hồ sơ của người về hưu chờ đến Hội đồng giám định y khoa để giám định khả năng lao động.
Thư Viện Pháp Luật