Mâu thuẫn về việc chia di sản thừa kế là nhà ở
1. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
- Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
- Cách thức phân chia di sản.
Về việc phân chia di sản bằng hiện vật thì những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia (Khoản 2 Điều 685 Bộ luật Dân sự).
Theo quy định nêu trên thì ba người con của ông bà bạn cùng các đồng thừa kế khác nếu có (theo quy định tại khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) có quyền thỏa thuận về cách thức phân chia di sản. Đối với di sản là nhà đất thì có thể lựa chọn các cách thức như:
- Cách 1: Chia nhà đất thành 03 phần, mỗi người con được quyền sở hữu/sử dụng một phần. Tuy nhiên, việc phân chia này phải đảm bảo kích thước và diện tích tối thiểu của mỗi phần theo quy định của tỉnh/thành phố nơi có bất động sản.
- Cách 2: Bán ngôi nhà theo quy định của pháp luật. Tiền bán nhà sẽ được chia đều 3 phần cho mỗi người. Cách này phù hợp với ý nguyện của 01 người con ở nước ngoài nhưng không được 02 người còn lại đồng ý.
- Cách 3: Thỏa thuận về người sẽ nhận tài sản, đồng thời người đó sẽ thanh toán cho người không được nhận tài sản một khoản tiền tương ứng. Đây là cách giải quyết hợp lý nhất đối với trường hợp của bạn: các thừa kế sẽ lập văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật để thỏa thuận các nội dung như: (i) hai người con (người không muốn bán nhà) sẽ nhận toàn bộ di sản là quyền sở hữu/sử dụng nhà đất; (ii) thống nhất xác định giá trị nhà đất và chia thành ba phần bằng nhau; hai người này sẽ thanh toán cho người còn lại (người muốn bán nhà để chia tiền) số tiền tương ứng với một phần ba giá trị di sản mà người đó được hưởng. Như vậy, sau khi khai nhận di sản theo cách trên, cả ba người đều được đáp ứng mong muốn của mình: hai người con sẽ làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở/quyền sử dụng đất ở tại cơ quan đăng ký nhà đất có thẩm quyền; một người còn lại sẽ nhận số tiền tương ứng với phần di sản mình được hưởng và không còn liên quan gì đến nhà đất nêu trên nữa. Nếu lựa chọn phương án này thì các đồng thừa kế có thể đến cơ quan công chứng để làm thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (theo Điều 50 Luật Công chứng); sau đó hai người nhận nhà đất sẽ làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu/sử dụng tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Vì một trong số hai người con muốn giữ lại ngôi nhà hiện đang ở nước ngoài nên người đó có thể thuộc diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài (người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài). Nếu thỏa thuận chia thừa kế theo cách 3 thì gia đình bạn cần chú ý đến quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Luật Đất đai và Luật Nhà ở cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
- Người có quốc tịch Việt Nam;
- Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
- Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Nếu đáp ứng được những điều kiện nêu trên thì người con ở nước ngoài (là người muốn giữ lại ngôi nhà) có thể được đứng tên đồng sở hữu nhà đất với người con đang ở Việt Nam. Nếu không có đủ điều kiện thì người này có thể được hưởng phần giá trị nhà đất, và người con ở Việt Nam vẫn có thể giữ lại ngôi nhà và trở thành chủ sở hữu/ sử dụng duy nhất của nhà đất đó.
2. Việc khởi kiện ra tòa
Đây là trường hợp phân chia thừa kế đơn giản và dễ dàng có cách giải quyết nên tốt nhất gia đình nên tự thỏa thuận, không nên khởi kiện ra tòa. Nếu buộc phải khởi kiện ra tòa án thì tòa án cũng luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Theo đó thỏa thuận hợp lý, hợp tình nhất là: những người muốn giữ ngôi nhà sẽ sở hữu ngôi nhà đó, đồng thời phải thanh toán cho người con lại số tiền tương ứng với phần di sản được hưởng như đã nêu trên. Nếu hai người này không thể hoặc không muốn thanh toán cho người kia số tiền tương ứng và các bên không thể thỏa thuận được phương án tốt hơn thì buộc phải bán nhà để chia giá trị (theo Khoản 2 Điều 685 Bộ luật Dân sự).
Thư Viện Pháp Luật