Thành lập công ty để lấy hàng hóa từ cơ sở sản xuất khác
Theo quy định của pháp luật một cá nhân được thành lập doanh nghiệp để kinh doanh thì phải đáp ứng hai điều kiện: (i) Cá nhân đó không thuộc đối tượng cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp; (ii) Kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm. Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định.
(i) Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp thì:
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
e) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;
g) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
Bạn cần đối chiếu với quy định trên để biết mình có thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp không.
(ii) Ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh mà bạn mô tả không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, Nghị định 43/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP và không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo các văn bản chuyên ngành khác.
Như vậy, ngành nghề kinh doanh mà bạn dự định kinh doanh không phải là ngành nghề mà pháp luật cấm kinh doanh cũng như không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó bạn hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp để kinh doanh ngành nghề này nếu bạn không thuộc đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bạn có thể tham khảo Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam và Quyết định 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của bộ kế hoạch và đầu tư về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam để lựa chọn ngành nghề dự định đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp. Với mô tả của bạn tôi có thể gợi ý cho bạn đăng ký một số mã ngành sau:
- Bán buôn đồ uống: bán buôn đồ uống không có cồn - mã ngành 4633
- Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp - mã ngành 4711
- Bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp loại khác - mã ngành 4719
- Bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh - mã ngành 4723
- Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào lưu động hoặc tại chợ - mã ngành 4781
Thư Viện Pháp Luật