Tố giác hành vi đánh bạc
Theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở (nguồn có được thông tin về tội phạm) sau đây làm căn cứ cho khởi tố vụ án, phục vụ cho quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú.
Ngoài ra, trong quá trình lấy lời khai của những người có hành vi phạm tội đã bị bắt mà phát hiện ra hành vi phạm tội của những người phạm tội khác chưa bị bắt thì những người có hành vi phạm tội chưa bị bắt này cũng sẽ bị áp dụng các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật như triệu tập, truy nã… để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bạn có người bạn tham gia đánh bạc, mặc dù không bị bắt quả tang nhưng bị các đối tượng bị bắt khác khai ra. Do đó bạn của bạn vẫn bị triệu tập theo quy định của pháp luật để làm rõ về hành vi đánh bạc nói trên, qua hoạt động điều tra, nếu có đủ các căn cứ xác định hành vi đánh bạc trái phép của nhóm đánh bạc này (có sự tham gia của bạn của bạn) đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc trái phép được quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì hành vi đánh bạc đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng hình phạt về tội phạm nói trên. Cụ thể:
“1. Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng trở lên đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tài điều 249 của BLHS năm 1999, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
Hoặc hành vi đánh bạc nói trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính thì hành vi đó sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, cụ thể: Điều 23 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có quy định về việc xử phạt hành vi đánh bạc trái phép như sau:
“1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các ô số lô, số đề nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đánh bạc sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược “cá độ” bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;”
Thư Viện Pháp Luật