Ban hành quyết định của Uỷ ban nhân dân xã
Trước hết, cần thấy rằng việc Uỷ ban nhân dân cấp xã bám sát tinh thần chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên và Nghị quyết của Đảng bộ cơ sở để cụ thể hoá thành việc ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương với quy hoạch tầm nhìn đến năm 2010 là việc làm đáng hoan nghênh, thể hiện sự quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Quyết định của Uỷ ban nhân dân xã về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là một văn bản quy phạm pháp luật, do đó việc ban hành nó phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Từ đó, vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống này là cần xét xem việc thể hiện phần căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định đó có phù hợp với quy định của pháp luật về việc ban hành Quyết định của Uỷ ban nhân dân hay không?
Theo hướng dẫn tại điểm 2.1 Mục I Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thì:
“Căn cứ pháp lý làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản đó, bao gồm:
a) Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành văn bản;
b) Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản”.
Như vậy, để ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cần phải có hai loại căn cứ pháp lý:
- Loại căn cứ pháp lý thứ nhất là căn cứ về thẩm quyền quản lý nhà nước và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Loại căn cứ pháp lý thứ hai là căn cứ pháp lý về nội dung văn bản (đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản).
Điều quan trọng cần lưu ý là những căn cứ pháp lý này đều phải là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực.
Từ sự phân tích trên đây, có thể thấy phần căn cứ pháp lý trong Quyết định của Uỷ ban nhân dân xã H viện dẫn 4 căn cứ, bao gồm 2 đạo luật, 1 công văn của Uỷ ban nhân dân huyện và 1 nghị quyết của Đảng bộ xã. Việc viện dẫn căn cứ pháp lý 2 đạo luật là phù hợp. Tuy nhiên, việc viện dẫn ý kiến chỉ đạo tại công văn của Uỷ ban nhân dân huyện và nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã là trái với quy định vì 2 văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó không thể sử dụng để làm căn cứ pháp lý để ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những văn bản này chỉ có thể sử dụng để làm định hướng cho việc xây dựng nội dung Quyết định, chứ không thể đưa vào Quyết định ở vị trí là căn cứ ban hành Quyết định của Uỷ ban nhân dân xã.
Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân xã H phải tự kiểm tra, xử lý hoặc Uỷ ban nhân dân huyện T kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền Quyết định số 01 nêu trên của Uỷ ban nhân dân xã H theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định số 01 này sai căn cứ pháp lý để ban hành nên cần phải xử lý bằng hình thức hủy bỏ.
Thư Viện Pháp Luật