Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định như thế nào về hành vi vi phạm quy định về công chứng viên và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng?
Tại Điều 14, 15 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về công chứng viên vàhoạt động của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về công chứng viên
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Điều 39 của Luật công chứng;
b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;
c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;
d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
đ) Từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch mà không có căn cứ.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tiết lộ nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Công chứng hợp đồng, giao dịch mà thiếu chữ ký của người yêu cầu công chứng, công chứng viên vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
c) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định của pháp luật, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thỏa thuận;
d) Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng ký vào văn bản công chứng trừ trường hợp do pháp luật quy định;
đ) Lời chứng của công chứng viên trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 5 của Luật công chứng.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 của Luật công chứng;
b) Công chứng liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của mình, của vợ hoặc chồng, cháu là con của con trai, con gái, con nuôi;
c) Cho người khác sử dụng thẻ công chứng viên của mình để hành nghề công chứng;
d) Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch không đúng quy định tại Điều 44 của Luật công chứng;
đ) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia giao dịch;
e) Công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
g) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung thẻ công chứng viên.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng thẻ công chứng viên giả;
b) Sử dụng thẻ công chứng viên của người khác để hành nghề công chứng.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm giả thẻ công chứng viên;
b) Cá nhân không có thẩm quyền công chứng mà hoạt động với danh nghĩa người có thẩm quyền công chứng.
6. Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên 12 tháng đối với hành vi công chứng trước vào hợp đồng, giao dịch khi chưa xác định đầy đủ các bên chủ thể của hợp đồng, giao dịch đó.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm c Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều này.
Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không niêm yết lịch làm việc, thủ tục công chứng, phí công chứng, thù lao công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;
b) Không đăng báo hoặc đăng báo không đúng, không đầy đủ nội dung, thời hạn, số lần theo quy định về nội dung đăng ký hoạt động;
c) Không lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lưu trữ hoặc lưu trữ hồ sơ công chứng không đúng quy định;
b) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng mẫu quy định;
c) Hoạt động không đúng nội dung đăng ký hoạt động.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung quyết định thành lập văn phòng công chứng, giấy đăng ký hoạt động;
b) Văn phòng công chứng không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng ký hoạt động hoặc đăng ký không đúng thời hạn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động;
c) Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng;
d) Không thỏa thuận việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc trước khi giải thể hoặc chấm dứt hoạt động không đúng quy định của pháp luật; không trả lại di chúc và phí lưu giữ di chúc trong trường hợp không thỏa thuận được với người lập di chúc;
đ) Sử dụng quyết định thành lập văn phòng công chứng, giấy đăng ký hoạt động giả.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm giả quyết định thành lập văn phòng công chứng, giấy đăng ký hoạt động.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền công chứng mà hoạt động với danh nghĩa cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm đ Khoản 4, Khoản 5 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm đ Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều này.”
Thư Viện Pháp Luật