Tính pháp lý của di chúc và người lập di chúc được pháp luật công nhận
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự thì “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này” mà Điều 21 quy định về người không có năng lực hành vi dân sự là người chưa đủ 6 tuổi và Điều 22 thì quy định về mất năng lực hành vi dân sự, cụ thể đoạn 1 khoản 1 Điều 22 quy định như sau “1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”. Như vậy, người thành niên có năng lực hành vi đầy đủ nếu không bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở của tổ chức giám định.
Mặt khác, khoản 1 Điều 647 quy định “người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình”. Như vậy, tại thời điểm 10/10/2011 mẹ anh bị liệt nửa người do di chứng của tai biến và nói ngọng nhưng chưa bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nên mẹ anh có quyền được lập di chúc.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 24 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì chứng thực di chúc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. Ngoài ra, khoản 1 mục I Thông tư số 03/2001/TP-CC thì việc chứng thực được thực hiện ngoài trụ sở trong trường hợp việc lập di chúc của người mà tính mạng bị cái chết đe dọa do bệnh tật, tai nạn hoặc người bị bại liệt, người già yếu không thể đi lại được. Mẹ anh tại thời điểm 10/10/2011 bị liệt nửa người nên cán bộ của UBND xã được phép xuống tận nhà để chứng thực di chúc.
Nội dung xác nhận mà anh hỏi ở đây là lời chứng thực di chúc của người thực hiện chứng thực, cụ thể xác nhận “a) người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; b) nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự).
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 646, Bộ luật Dân sự), do di chúc là ý chí cá nhân nên khi mẹ anh lập di chúc thì không cần có sự xuất hiện của tất cả các anh em của anh.
Thư Viện Pháp Luật