Di sản thừa kế đã phân chia có được khởi kiện yêu cầu chia lại không?
Khi bố bạn chết, di sản để lại sẽ được chia cho các thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Theo thông tin bạn cung cấp, những người thừa kế của bố bạn đã lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức công chứng có thẩm quyền và mẹ bạn, bạn cũng đã hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu/sử dụng tài sản đó. Như vậy, di sản thừa kế của bố bạn để lại đã được những người thừa kế phân chia theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, các anh chị bạn không có quyền yêu cầu chia lại di sản nữa (trừ trường hợp họ chứng minh được việc phân chia di sản thừa kế đã thực hiện trước đây có vi phạm quy định của pháp luật hoặc không phải là ý chí tự nguyện của các bên…). Nếu việc khai nhận, phân chia di sản thừa kế của gia đình bạn đã tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của các bên thì khi có tranh chấp xảy ra, mẹ bạn và bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình dựa trên những căn cứ sau:
(i) Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do gia đình bạn lập có giá trị pháp lý quy định tại Điều 6 Luật Công chứng: Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Sau khi tất cả các người thừa kế của bố bạn đã cùng nhau lập và ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản do bố bạn để lại và tặng cho toàn bộ phần di sản của mình cho bạn và mẹ bạn thì tất cả những người thừa kế đều có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận trong văn bản. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì bạn có thể cung cấp Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cho cơ quan có thẩm quyền để làm chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hai mẹ con bạn.
(ii) Việc mẹ bạn và bạn được thừa kế tài sản là một trong các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Dân sự và hai mẹ con bạn cũng đã đăng ký quyền sử dụng/sở hữu đối với di sản thừa kế được nhận theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu/sử dụng của mẹ và bạn đối với tài sản đã đăng ký quyền sở hữu/sử dụng được pháp luật công nhận và bảo vệ. Điều 169 Bộ luật Dân sự đã nêu:
- Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
- Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.
Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Như vậy, ngay cả khi có tranh chấp với những người thừa kế khác cũng như có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng/sở hữu tài sản mà mẹ bạn, bạn đã nhận do được thừa kế thì hai mẹ con bạn có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thư Viện Pháp Luật