Tự ý chiếm giữ xe của người khác
Theo quy định tại Ðiều 169 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật. Như vậy, bạn có quyền bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với chiếc xe là tài sản của bạn. Bạn có quyền yêu cầu chủ nhà trọ trả lại chiếc xe cho mình hoặc yêu cầu người bạn của mình phải lấy lại chiếc xe đó. Trong trường hợp các bên không thể tự giải quyết được thì bạn có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định rõ: Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Khi khởi kiện, bạn phải làm đơn khởi kiện với các nội dung quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Đơn khởi kiện được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.
Thư Viện Pháp Luật