Đơn phương ly hôn khi vợ không hợp tác trong việc làm các thủ tục

Cần tư vấn thủ tục ly hôn với trường hợp như sau: Vợ đã bỏ nhà đi 3 năm và chuyển hộ khẩu của vợ và 2 con về nhà vợ được 2 năm và không chịu hợp tác bất kỳ thủ tục gì để làm thủ tục ly hôn, tôi đã ra tòa án nhân dân quận X nơi vợ tôi đang sống và hộ khẩu đang ở đó để làm thủ tục gồm: 1. Đơn ly hôn: Đơn phương tôi ký đơn kèm theo giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh của 2 bé 2. Xác nhận của tôi về nơi ở và mâu thuẫn 2 vợ chồng: đã có 3. Giấy xác nhận tình trạng cư trú nơi vợ tôi đang sống: Vợ tôi không làm và tôi không thể lấy được xác nhận này từ công an do không có hộ khẩu của vợ tôi Hiện nay tôi có địa chỉ nơi vợ tôi đang sống, nơi làm việc của vợ tôi và số điện thoại của vợ tôi nhưng tôi do thiếu thủ tục nên không nộp được đơn xin ly hôn vậy tôi kính nhờ quý báo tư vấn cho tôi cách thức đơn giản và đúng pháp luật để làm thủ tục ly hôn. Trân trọng!

Đơn phương ly hôn ngay kể cả khi không nhận được sự đồng ý từ vợ hoặc chồng của mình là yêu cầu chính đáng và là một trong những quyền được quy định rất rõ trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, Bộ luật Dân sự 2005 và Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2013.

Điều 42 Bộ luật Dân sự 2005 và khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000:

“Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”

Điều 91 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 :

“Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn”

Do vậy, trong trường hợp của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án giải quyết, ngay cả khi người vợ mình không đồng ý. Thẩm quyền xét xử của Tòa án được quy định rõ trong điều 161 và Điểm a, khoản 1, Điều 35 văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự 2013 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

“Điều 161. Quyền khởi kiện vụ án

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Điểm a, khoản 1, Điều 35 văn bản hợp nhấtBộ luật Tố tụng dân sự 2013

“Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này”

Như vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc của bạn là Tòa án nơi mà vợ bạn đã cư trú tức Tòa án nhân dân quận X.

Hình thức và nội dung đơn khởi kiện bạn theo đúng quy định tại Điều 164 văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự 2013 như sau:

“1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

2. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

...

Trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký Xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp Xã.

Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp Xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng”

Như vậy, sau khi bạn có đơn khởi kiện vụ án ly hôn theo đúng, đầy đủ hình thức và nội dung như trên thì  nộp đơn này đến Tòa án nhân dân quận X. Khi đó, thủ tục nhận đơn khởi kiện của bạn sẽ tuân theo quy định tại Điều 167 văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự 2013 như sau:

“Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

1. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

2. Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

3. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”

Theo đó, việc vợ bạn không hợp tác để làm giấy xác nhận nơi cư trú không hề ảnh hưởng đến việc thụ lý đơn khởi kiện ly hôn đơn phương theo yêu cầu của bạn.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại khoản 8.6 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự thì:

“Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.

Do vậy, trong trường hợp của bạn thì Tòa án sẽ vẫn thụ lý như bình thường khi bạn điền đầy đủ thông tin và địa chỉ của vợ bạn để khởi kiện vụ án ly hôn. Mọi thủ tục còn lại khi tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện rồi thì sẽ do Tòa án niêm yết thông tin công khai theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và xác minh cụ thể:

khoản 2, khoản 3, Điều 154 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định

“2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

...

3. Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết”.

Nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người vợ cố tình không có mặt thì tòa lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu người vợ vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cụ thể là:

“Điều 200. Sự có mặt của bị đơn tại phiên toà

1. Bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.

2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn phương ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào