Phạm vi ủy quyền, chấm dứt hợp đồng ủy quyền, cung cấp văn bản công chứng
1. Quyền của em bạn theo Hợp đồng ủy quyền đã công chứng.
Điều 6 Luật Công chứng quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau: Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Theo quy định trên thì ngay sau khi hợp đồng ủy quyền được công chứng thì giữa vợ chồng bạn và em trai bạn đã phát sinh các quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Em trai bạn có thể thực hiện các công việc theo hợp đồng ủy quyền đã công chứng cho dù em trai bạn chưa được nhận văn bản ủy quyền đó.
2. Việc em trai bạn dùng tài sản của vợ chồng bạn để thế chấp vay tiền của cá nhân.
Khi thực hiện công việc được ủy quyền, em trai bạn chỉ được thực hiện trong phạm vi mà vợ chồng bạn đã ủy quyền. Điều 144 Bộ luật Dân sự quy định:
- Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.
- Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
- Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
- Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu trong Hợp đồng ủy quyền của bạn đã nêu rõ em trai bạn chỉ được dùng tài sản của vợ chồng bạn để thế chấp vay vốn tại Ngân hàng thì em trai bạn không được dùng tài sản đó để thế chấp vay vốn của cá nhân. Bạn có thể xem lại hợp đồng ủy quyền của mình để nắm được vấn đề này. Trong trường hợp em trai bạn thực hiện công việc vượt quá phạm vi đại diện thì hậu quả được xác định theo Điều 146 Bộ luật Dân sự:
- Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
- Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
- Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Việc Văn phòng công chứng cung cấp văn bản ủy quyền cho người khác.
Văn phòng công chứng đã công chứng Hợp đồng ủy quyền cho vợ chồng bạn có quyền cấp bản sao văn bản công chứng theo quy định tại Điều 55 Luật Công chứng. Việc cấp bản sao văn bản công chứng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này (Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng với bản chính chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đang lưu trữ hồ sơ công chứng);
- Theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
4. Chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
Theo quy định tại Ðiều 589 Bộ luật Dân sự, hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Hợp đồng ủy quyền hết hạn;
- Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
- Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Ðiều 588 của Bộ luật này;
- Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Nếu có các căn cứ chấm dứt nêu trên (hết thời hạn ủy quyền, bên dược ủy quyền thực hiện xong công việc ủy quyền) thì hợp đồng ủy quyền của bạn đương nhiên chấm dứt. Hoặc vợ chồng bạn và em trai bạn có thể đến Văn phòng công chứng nơi đã công chứng hợp đồng ủy quyền để yêu cầu chấm dứt hợp đồng theo quy định của Luật Công chứng. Trường hợp em trai bạn không hợp tác thì vợ chồng bạn có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng ủy quyền theo Điều 588 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:
- Trong trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
- Trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền.
Thư Viện Pháp Luật