Có được trả lại ủy thác thi hành án không?
Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/20104 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự đã quy định thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh ủy thác thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi khác thi hành các vụ việc sau:
- Thi hành bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên;
- Thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ;
- Thi hành bản án, quyết định tuyên bố phá sản; quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam;
- Thi hành bản án, quyết định mà nhiều người phải thi hành án có trách nhiệm liên đới ở nhiều quận, huyện, thị xã, thành phố khác nhau trong tỉnh nơi ủy thác đến;
b) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành những vụ việc thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhưng thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án cấp quân khu;
c) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành các vụ việc khác, trừ những trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.
Do vậy, tháng 5/2009, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K ủy thác cho cơ quan thi hành án quận 7, thành phố H thi hành quyết định thi hành án đối với ông A quốc tịch Hàn Quốc phải nộp 18.000 USD để sung công quỹ là không đúng theo quy định của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP vì đây là bản án có yếu tố nước ngoài. Bởi thế, cơ quan thi hành án dân sự quận 7, thành phố H trả lại hồ sơ ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K để cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K ủy thác thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thành phố H mới là đúng thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật