Thẩm quyền chứng thực phụ lục hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất
Theo quy định tại khoản 1 Điều 408 Bộ luật Dân sự "Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng...", do đó có thể xem phụ lục hợp đồng là một phần của hợp đồng. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền chứng thực hợp đồng sẽ có thẩm quyền chứng thực phụ lục hợp đồng. Thẩm quyền và trình tự thủ tục được quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT. Theo điểm 1.1, khoản 1, Mục II Thủ tục, trình tự công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản về bất động sản thì Hồ sơ hợp lệ yêu cầu chứng thực bao gồm:
a) Phiếu yêu cầu chứng thực hợp đồng, văn bản (Mẫu số 31/PYC);
b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; bản sao giấy tờ chứng minh thẩm quyền của người đại diện (nếu là người đại diện);
c) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003; bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định của Nghị định số 60/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ; bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định của pháp luật về nhà ở (sau đây gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất);
Trường hợp trong thời hạn theo quy định tại Điều 184 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, nếu người đang sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải có bản sao một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai; trường hợp người sử dụng đất có tên trong sổ đăng ký ruộng đất hoặc sổ địa chính thì phải có xác nhận bằng văn bản (bản sao) của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
d) Hợp đồng, văn bản về bất động sản.
Thư Viện Pháp Luật