Chứng thực sơ yếu lý lịch
1. Trước hết, vì bạn đang có sự hiểu nhầm giữa công chứng và chứng thực nên chúng tôi muốn phân biệt rõ cho bạn hiểu về hai lĩnh vực này như sau:
Trước đây, công chứng và chứng thực cùng được quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Thẩm quyền công chứng, chứng thực thuộc về Phòng công chứng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã… Tuy nhiên, từ khi Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký ra đời đã tách biệt hai lĩnh vực công chứng và chứng thực. Theo đó:
- Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (Điều 2 Luật Công chứng), thẩm quyền thuộc tổ chức công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng).
- Chứng thực là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính hoặc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực, cấp bản sao từ sổ gốc là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện.
Như vậy, việc bạn đang cần làm là chứng thực sơ yếu lý lịch, không phải là hoạt động công chứng. Phòng công chứng không có thẩm quyền thực hiện yêu cầu của bạn.
2. Về thẩm quyền thực hiện.
Sơ yếu lý lịch là những thông tin về nhân thân, về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh chính trị-xã hội, trình độ văn hóa chuyên môn, quá trình tham gia công tác... của công dân. Sơ yếu lý lịch thường được sử dụng vì mục đích học tập hoặc tuyển dụng việc làm, do vậy sơ yếu lý lịch (theo mẫu) cần phải ghi đầy đủ diễn biến quá trình hoạt động, công tác của công dân đến thời điểm nhất định và trong nhiều trường hợp chỉ có giá trị khi có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Khoản 7 và khoản 9 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Công tác Tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn, có nhiệm vụ, quyền hạn:
“7. Thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp; lưu trữ sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.
....
9. Thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực các việc khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy:
- Đối với những nội dung cụ thể có liên quan đến thông tin về hộ tịch, nhân thân… của công dân trong sơ yếu lý lịch thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân, bạn phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn có đăng ký thường trú để chứng thực sơ yếu lý lịch.
- Nếu việc chứng thực sơ yếu lý lịch chỉ đơn thuần là sao y từ bản chính thì bạn có thể yêu cầu chứng thực tại bất kỳ Ủy ban nhân dân cấp xã nào mà không phải về phường nơi bạn ở hoặc có hộ khẩu thường trú. (Căn cứ: Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP: Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chữ ký quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực).
Thư Viện Pháp Luật