Khai nhận thừa kế nhưng giấy tờ về tài sản không mang tên người để lại di sản
Ðiều 634 Bộ luật Dân sự quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Nếu gia đình bạn muốn chia di sản của bố mẹ bạn thì phải xác định xem tài sản đó có thuộc quyền sở hữu của bố mẹ hay không.
Tài sản là ngôi nhà: Mặc dù bạn nói rằng ngôi nhà là tài sản của bố mẹ bạn nhưng về mặt pháp lý thì phải căn cứ vào giấy tờ chứng minh quyền tài sản. Vì giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mang tên chị của bạn nên về pháp lý, ngôi nhà đó thuộc quyền sở hữu của chị bạn. Theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật liên quan thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp cho đối tượng có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở của chị bạn đối với ngôi nhà đó thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho chị bạn nên chị bạn có toàn quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với ngôi nhà đó theo Điều 21 Luật Nhà ở:
- Chiếm hữu đối với nhà ở.
- Sử dụng nhà ở.
- Bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý, thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.
…
Như vậy, về mặt pháp lý, vì giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mang tên chị bạn nên không thể coi ngôi nhà đó là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bố mẹ bạn, không thể coi ngôi nhà là di sản do bố mẹ bạn để lại và gia đình bạn không thể tiến hành khai nhận thừa kế đối với ngôi nhà đó.
Thư Viện Pháp Luật