Tội sản xuất trái phép chất ma túy có tính chất chuyên nghiệp?
Khi áp dụng tình tiết này, cần hiểu rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm chuyên nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ: tội phạm đó được lặp đị, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội là phương tiện kiếm sống.
Sản xuất trái phép chất ma túy có tính chất chuyên nghiệp và sản xuất trái phép chất ma túy nhiều lần đều giống nhau ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy nhiều lần (từ hai lần trở lên), nhưng khác nhau ở chỗ: sản xuất trái phép chất ma túy, người phạm tội không lấy việc sản xuất trái phép chất làm phương tiện sống và họ chỉ thực hiện hai lần trở lên và mỗi lần đều đủ cấu thành tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp một người chỉ phạm một tội, nhưng được thực hiện nhiều lần trong một thời gian nhất định mà hành vi phạm tội đó được lặp đi, lặp lại thì cũng phải coi là phạm tội có tính chât chuyên nghiệp, chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội phải lấy việc phạm tội làm phương tiện kiếm sống. quan điểm này là không có cơ sở khoa học, vì nếu coi trường hợp phạm tội nhiều lần nào cũng là phạm tội có tính chuyên nghiệp thì không thể lý giải được sự khác nhau giữa phạm tội có tính chất chuyên nghiệp với phạm tội nhiều lần.
Theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các yếu tố sau:
-Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
-Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Hướng dẫn trên của Hội đồng thẩm phán có một điểm mà thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau: nếu căn cứ vào số lần ( năm lần trở lên) mới bị coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì chưa phù hợp, vì có thể có trường hợp chỉ 4 lần, thậm chí 2 hoặc 3 lần nhưng người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính, thì lại không bị coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật