Điều kiện định đoạt; hạn chế quyền định đoạt
Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật (người có năng lực hành vi dân sự là người có khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự). Trong trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.
Theo quy định tại Điều 199 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì:
- Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định;
- Khi tài sản đem bán là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua. Ví dụ: ông S có sở hữu ngôi nhà cổ có giá trị lịch sử, văn hóa. Vậy khi ông S bán ngôi nhà này thì trước tiên phải dành quyền ưu tiên mua cho Nhà nước.
Trong trường hợp pháp nhân, cá nhân, chủ thể khác có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó. Ví dụ: anh A và anh B chung tiền mua một ngôi nhà, khi anh A muốn bán phần quyền sở hữu của mình thì phải dành quyền ưu tiên mua cho anh B.
Thư Viện Pháp Luật