Đề nghị tư vấn về thời hạn hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm

Kính gửi Quý Luật sư, Kính đề nghị Quý Luật sư tư vấn trường hợp sau: - Nguyên vào thời điểm tháng 04/2009, tôi có thế chấp một Quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng A, có đăng ký giao dịch bảo đảm, sau đó tôi đã hoàn trả đầy đủ nợ vay và được giải chấp tài sản bảo đảm; - Năm 2010, tôi thế chấp Quyền sử dụng đất nêu trên để vay vốn tại Ngân hàng S, có đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng không xóa giao dịch bảo đảm lần trước, sau đó tôi đã hoàn trả đầy đủ nợ vay, được giải chấp tài sản bảo đảm và đã xóa giao dịch bảo đảm này;  - Năm 2012, tôi thế chấp Quyền sử dụng đất nêu trên để vay vốn tại Ngân hàng N, có đăng ký giao dịch bảo đảm, sau đó tôi đã hoàn trả đầy đủ nợ vay, được giải chấp tài sản bảo đảm và đã xóa giao dịch bảo đảm này; - Hiện nay, tôi đang có ý định thế chấp Quyền sử dụng đất nêu trên để vay vốn tại Ngân hàng K, nhưng Ngân hàng yêu cầu phải xóa giao dịch bảo đảm lần đầu tiên trước khi đăng ký giao dịch bảo đảm lần này, thì mới hợp lệ và hợp pháp để có thể vay vốn. Theo tôi biết, thì khi tôi đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu, văn bản pháp luật chi phối là  Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo Nghị định này, việc đăng ký chỉ có giá trị trong 5 năm, trừ trường hợp có yêu cầu xóa trước hạn hoặc gia hạn.  Ngoài ra, tôi cũng đã đăng ký và xóa đăng ký đến 2 lần trước khi vay vốn lần này. Như vậy, kính đề nghị Quý Luật sư cho biết: Việc giao dịch bảo đảm lần đầu có còn hiệu lực không và tôi có cần phải xóa giao dịch bảo đảm lần đầu hay không? Trân trọng!

Chào bạn,

Pháp luật quy định như bạn dẫn chiếu nhưng cơ quan nhận đăng ký giao dịch bảo đảm thường không tự mình xóa bỏ việc đăng ký này nếu các bên liên quan không yêu cầu nên bạn nên xác minh lại. Ngoài ra, Nghị định bạn dẫn chiếu đã được thay thế bằng Nghị định khác (số 83/2010).

Mời bạn tham khảo một số điều có liên quan của NĐ 83/2010 như sau:

Điều 6. Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm

Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.

Điều 7. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định như sau:

a) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ;

b) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

c) Trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

2. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm trong các trường hợp dưới đây được xác định như sau:

a) Trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký thay đổi hợp lệ;

b) Trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký thay đổi đó được ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

c) Trường hợp đăng ký thay đổi do sai sót về kê khai tài sản bảo đảm hoặc tên của bên bảo đảm, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm và thuộc thẩm quyền đăng ký của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thì thời điểm đăng ký được xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký thay đổi đó được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

 

Trân trọng!

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào