Thủ tục thành lập xưởng sản xuất trực thuộc công ty khác tỉnh
1. Quyền thành lập đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp
Doanh nghiệp được quyền thành lập các đơn vị phụ thuộc phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Luật Doanh nghiệp quy định các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp gồm:
a. Chi nhánh: là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của Doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Chi nhánh có thể đặt tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, tuy nhiên, chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện các chức năng của doanh nghiệp nên sẽ có con dấu mới.
b. Văn phòng đại diện: là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp (Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh).
c. Địa điểm kinh doanh: là nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đặt tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Doanh nghiệp có thể thành lập một hoặc nhiều địa điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động để tiến hành kinh doanh. Địa điểm kinh doanh nộp thuế môn bài như Công ty.
Bạn căn cứ vào nhu cầu của mình và đặc điểm các đơn vị phụ thuộc theo quy định của pháp luật để lựa chọn đơn vị phụ thuộc phù hợp rồi tiến hành đăng ký thành lập như chúng tôi tư vấn dưới đây.
2. Thủ tục thành lập đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp
Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục thành lập đơn vị phụ thuộc tại khoản 1 Điều 33 như sau:
Về hồ sơ cần có:
a. Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo mẫu tại đây;
b. Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
c. Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
d. Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
e. Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thời gian giải quyết:
Luật doanh nghiệp quy định về thời gian là 3 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét về tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận thành lập đơn vị phụ thuộc.
Chi phí hành chính: 200.000 đồng
3. Thủ tục cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Về con dấu của chi nhánh
Doanh nghiệp được quyền lựa chọn sử dụng con dấu của chi nhánh hoặc không nên trong trường hợp không muốn, doanh nghiệp của bạn không cần đăng ký sử dụng mẫu dấu cho chi nhánh.
Thư Viện Pháp Luật