Hỏi về việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm
1. Nhãn hiệu và điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:
- Theo Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ thì “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
- Theo Điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây :
+ Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
+ Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Nếu nhãn hiệu của bạn đáp ứng được các quy định trên thì bạn tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo tư vấn của chúng tôi như sau:
2. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thời hạn giải quyết:
Để được đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu sau:
Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 02 bản (trong đó phải có danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu phù hợp với thỏa ước Ni-xơ về phân loại hàng hóa và dịch vụ);
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký(như giấy chứng nhậnđăng ký kinh doanh hay quyết đinh, giấy phép thành lập…);
Mẫu nhãn hiệu (9 mẫu kèm theo);
Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (tên, biểu tượng, …);
Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.
Thời hạn giải quyết:
Theo khoản 1, Điều 15, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009:
+ Thẩm định về hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
+ Hồ sơ hợp lệ thì cục sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp
+ Thẩm định về nội dung: không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn
Thực tế, thời gian giải quyết có thể sẽ lâu hơn do khối lượng hồ sơ quá nhiều mà Chuyên viên của Cục SHTT không giải quyết kịp.
Chú ý: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có giá trị trong 10 năm (nếu có nhu cầu làm thủ tục xin gia hạn, được thêm 10 năm cho mỗi lần gia hạn).
3. Về việc sử dụng nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm
Theo khoản 1, Điều 87, Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Mặt khác, khoản 3, Điều 105, Luật Sở hữu trí tuệ quy định : “Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố”.
Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền đăng ký và sử dụng một nhãn hiệu cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác nhau với điều kiện bạn cần phân loại hàng hoá/dịch vụ theo nhóm được quy định tại Thoả ước Nice.
Thư Viện Pháp Luật