Quy định chung cho tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
Điều 195: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm
a. Có tổ chức
b. Phạm tội nhiều lần
c. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
d. Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
đ. Tiền chất có trọng lượng từ hai trăm gam đến dưới năm trăm gam;
e. Vận chuyển, mua bán qua biên giới
g. Tái phạm nguy hiểm
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một nghìn hai trăm gam, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có trọng lượng từ một nghìn hai trăm gam trở lên, thì bị phạt tù từ hai mươi năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Định nghĩa: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phé chất ma túy.
Điều 195 Bộ luật hình sự quy định tới 4 hành vi phạm tội khác nhau phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội danh cho chính xác.
Nếu một người thực hiện cả 4 hành vi quy định trong điều luật và cùng một loại, một lượng tiền chất dùng vào sản xuất trái phép chất ma túy thì định tội danh đầy đủ là “tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” và áp dụng một mức hình phạt theo điều khoản của Bộ luật hình sự mà người phạm tội bị áp dụng. Ví dụ: A chiếm đoạt được 100 gam Ê-phê-đrin đem cất giấu, khi tìm được người mua nên A đã vận chuyển số tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép trên đem tiêu thụ bị bắt. Trong trường hợp này tội danh của A là : “chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” (tội danh đầy đủ).
Nếu một người chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi quy định tai điều luật thì chỉ định tội theo hành vi mà người đó thực hiện chứ không quy định tội danh đầy đủ như điều luật đã quy định. Ví dụ: Đỗ Trung Q là công nhân nhà máy hóa chất Y đã chiếm đoạt 500 gam Axit-sun-phua-ric đem bán cho Nguyễn Mạnh C để C điều chế cocain. Trường hợp phạm tội này của Đỗ Trung Q là hành vi phạm tội “chiếm đoạt và mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”.
Nếu một người thực hiện nhiều hành vi nhưng các hành vi không liên quan với nhau, thì phải định tội theo từng hành vi và áp dụng mức hình phạt riêng cho từng hành vi phạm tội rồi tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Đinh Thị L chiếm đoạt 150 gam Axit-sun-phua-ric và vận chuyển trái phép 200 gam Axetic- an-hy-dric. Hành vi phạm tội của Đinh thị L là hành vi phạm tội “chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy “ và tội “vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”. Tòa án phải áp dụng hai hình phạt riêng biệt đối với từng tội và áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt.
Thư Viện Pháp Luật