Hỏi về trách nhiệm của bệnh viện

Em  có người thân phẩu thuật về đường ruột ở bệnh viện tỉnh. Trước khi phẩu thuật thì sức khỏe vẫn bình thường. Nhưng sau khi phẩu thuật được 7 ngày thì có hiện tượng đau, bụng có hiện tượng to dần lên. gia đình thông báo với bác sĩ thì bác sĩ chỉ lên sờ mấy cái, phát thuốc cho uống rồi thoi. qua hôm sau, vẫn không bớt, bụng to hơn, gia đình thấy vậy xin bệnh viện chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện lại không chịu, bảo là không sao, để theo dõi. nhưng gia đình thấy thương người nhà nên yêu cầu chuyển nhiều lần. bệnh viện trả lời, bệnh viện không là giấy chuyển viện, nếu người nhà yêu cầu chuyển, thì gia đình tự đi, bệnh viện chỉ làm giấy xuất viện. sau đó gia đình chuyển bệnh nhân lên bệnh viện chợ Rẩy, tại đây các bác sĩ nói bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng  cả vết mổ ngoài và trong ( ruột) khả năng cứu sống rất thấp. và sau khi chuyển lên bệnh viện chợ rẫy khoảng 10 tiếng thì bệnh nhân đã mất. Vậy Luật sư cho em hỏi! Bệnh viện tỉnh có chịu trách nhiệm không? Nếu có gia đình em cần phải làm gi?

Với nội dung em hỏi thì trường hợp này rõ ràng bệnh viện đa khoa tỉnh nơi thực hiện phẫu thuật cho người thân của em phải có trách nhiệm giải quyết sự việc.

Trước hết khi xảy ra sự việc bệnh viện phải thực hiện khám chữa, chiếu chụp... để xác định nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đó, kiếm tra lại quy trình thực hiện phẫu thuật có đúng quy định hay không hoăc có sai xót không... từ đó phải có phương án khắc phục.

Trên thực tế có nhiều trường hợp xảy ra tai biến tuy nhiên không phải trường hợp nào cơ sở khám chữa bệnh cũng được miễn trừ trách nhiệm. Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh năm 2009 thì tai biến trong khám chữa bệnh được xác định như sau: " Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật" . - quy định tại khoản 13, Điều 2, Luật Khám chữa bệnh.

Nếu việc khám chữa bệnh thực hiện đúng quy trình, pháp đồ điều trị ... thì khi xảy ra tai biến và có tranh chấp xảy ra thì họ có thể được miễn trừ trách nhiệm

Điều 34. Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh

1. Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến

2. Được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh

Tuy nhiên nếu có vi phạm trong quá trình khám chữa bệnh và điều trị thì người khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm và thực hiện theo Điều 76 Luật Khám Chữa bệnh năm 2009.

Điều 76. Trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.

Để có căn cứ giải quyết sự việc này trước hết gia đình em cần phải có kết luận của bệnh viện về nguyên nhân dẫn đến người thân của em bị thiệt mạng, gia đình em cũng cần có đơn yêu cầu bệnh viện giải thích quy trình khám chữa bệnh đối với trường hợp người thân của gia đình em hoặc yêu cầu sở y tế địa phương can thiệp.

Hiện tại gia đình em cũng có quyền được nhận trích sao bệnh án, đây là quyền của thân nhân người bệnh được quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 59,  Luật Khám chữa bệnh năm 2009.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào