Dấu hiệu nhận biết tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định ại các Điều 12,13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc sử dụng lao động, sử dụng cán bộ, công chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, những người khác có thể là chủ thể, nhưng chỉ trong trường hợp đồng phạm.
Người sử dụng lao động là người đứng đầu trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động. Như vậy, nếu vụ án không có đồng phạm thì chủ thể tội phạm này chỉ có thể là người đủ 18 tuổi trở lên. Nếu là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức thì phải là người ký hợp đồng lao động với người lao động; việc ký hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, trong trường hợp này, người sử dụng lao động có thể là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, còn người lao động không phải là cán bộ, công chức.
Người sử dụng cán bộ, công chức là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do được bầu cử hoặc do tuyển dụng, có quyền tiếp nhận, tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật hoặc buộc cán bộ, công chức thôi việc theo quy định của pháp luật. Người sử dụng cán bộ, công chức cũng là cán bộ hoặc công chức theo Luật cán bộ, công chức quy định.
Như vậy, khi xác định chủ thể của tội phạm này, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, còn phải căn cứ vào các quy định khác của trái pháp luật mà đặc biệt là Bộ luật lao động và Luật cán bộ, công chức.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
Khách thể của tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là quyền lao động của con người. Quyền này được quy định tại Điều 55 Hiến pháp 1992: “Lao động là quyền và nv của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho người lao động. Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội đối với viên chức Nhà nước và những người làm công ăn lương…” Ngoài ra, còn một số điều quy định gián tiếp về quyền lao động của công dân như quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác…
Quyền lao động của công dân được cụ thể hóa bởi các quy định của Bộ luật lao động, Luật cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động và Luật cán bộ công chức.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là việc làm của người lao động, cán bộ, công chức. Buộc thôi việc là làm cho người lao động, cán bộ, công chức mất việc làm.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt kết quả của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Có thể nói người phạm tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là đuổi người lao động, cán bộ, công chức ra khỏi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chứ, đơn vị do mình phụ trách.
Hành vi đuổi người lao động, cán bộ, công chức của người phạm tội nhất thiết phải bằng hành động, có thể đuổi bằng miệng, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực… nhưng chủ yếu bằng văn bản (quyết định buộc thôi việc) trái pháp luật.
Nếu người phạm tội không có hành vi đuổi mà chỉ không nhận người lao động, cán bộ, công chức về doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách thì không phải là hành vi phạm tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật mà tùy trường hợp có thể người có hành vi không nhận người lao động, cán bộ, công chức về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 Bộ luật hình sự)
Nếu không đuổi bằng những thủ đoạn khác để người lao động, cán bộ, công chức tự xin thôi việc thì cũng không phải hành vi buộc người lao động thôi việc trái pháp luật mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 Bộ luật hình sự).
Hành vi tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là trái với các quy định của pháp luật về việc buộc người lao động thôi việc, cán bộ, công chức. Các quy định về tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc được quy định tại Bộ luật lao động, luật cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên.
Nói chung, khi xác định hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật hay không, phải căn cứ vào cá quy định của pháp luật về việc buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc, kể cả nội dung và thủ tục.
b) Hậu quả
Hậu quả của tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là những thiệt hại nghiêm trọng do hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc gây ra.
Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu có gây ra thiệt hại nhưng thiệt hại đó chưa phải là hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc chưa cấu thành tội phạm.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc gây ra là tình tiết do cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đánh giá trong trường hợp cụ thể. Ví dụ: do bị buộc thôi việc trái pháp luật nên người lao động và gia đình họ lâm vào tình trạng khốn khó, phải bán tài sản, thậm chí bán nhà để thanh toán các khoản nợ; do buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật nên đã gây bất bình cho người lao động, cán bộ, công chức trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.. dẫn đến đình công, biểu tình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…; do bị buộc thôi việc trái pháp luật nên người lao động, cán bộ, công chức uất ức mà tự sát, bị tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo…
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật được thực hiện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Nói chung, người phạm tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp, nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc hậu quả xảy ra.
Người phạm tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn người lao động, cán bộ, công chức phải thôi việc.
Thư Viện Pháp Luật