Biết kêu oan ở đâu khi tòa đứng về một phía?
Chào bạn,
Sai lầm lớn nhất của gia đình bạn là cứ đinh ninh giấy tờ giả mạo nên tòa án không xử mà trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn mà không biết rằng nếu đã có cơ sở xác định là giấy tờ hồ sơ và chứng cứ do nguyên đơn cung cấp là giả mạo thì phải yêu cầu tòa án trưng cầu giám định để xác định tính chính xác của các chứng cứ đó và đồng thời phải ủy quyền cho một thành viên trong gia đình tham gia tố tụng, theo sát mọi diễn tiến giải quyết, có mặt kịp thời khi tòa án triệu tập giải quyết để kịp thời biết được những ý kiến luận điểm bên kia nhằm bảo vệ quyền lợi của mình kịp thời. Việc gia đình bạn thiếu trách nhiệm về vụ án liên quan đến quyền lợi gia đình mình đã vô tình tạo điều kiện cho bên kia xoay chuyển tình thế và bây giờ thì kết quả như bạn đã biết...
Chưa hết, sau khi có bản án sơ thẩm của tòa cấp huyện, nếu không đồng tình với bản án thì phải làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án. Nếu kháng cáo quá hạn thì phải trình bày lý do vì sao kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận đuộc đơn kháng cáo thì tòa án huyện chuyển hồ sơ lên tòa án cấp tỉnh để giải quyết phúc thẩm và tòa án huyện không còn trách nhiệm giải quyết hồ sơ này nữa.
Như vậy, điều cần làm hiện này là bạn phải theo giỏi khi nào tòa án huyện chuyển hồ sơ lên tòa án tỉnh để liên hệ tiếp nhằm biết hồ sơ ai được phân công giải quyết, tình trạng hồ sơ như thế nào, đơn kháng cáo nếu quá hạn thì phải tường trình lý do vì sao quá hạn để tòa án cấp tỉnh xem xét có chấp nhận kháng cáo quá hạn hay không? Nếu chấp nhận kháng cáo quá hạn thì tòa án tỉnh sẽ tiến hành giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Nếu không chấp nhận thì xem như bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và gia đình bạn chỉ còn trông chờ vào cơ hội gởi đơn đến tòa án nhân dân cấp cao để xin kháng nghị giám đốc thẩm mà thôi.
Đây quả thật là bài học không thể xem thường khi có tranh chấp và đụng đến pháp luật. Thân mến.
Thư Viện Pháp Luật